Ông Biden gặt hái gì từ hội nghị thượng đỉnh G7?

(ĐTTCO) - Những gì mà ông Biden thu được từ hội nghị thượng đỉnh G7 chưa phải là hoàn hảo, nhưng đối với ông, như thế có lẽ đã đủ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Joe Biden lên đường dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ mang theo kỳ vọng về một bước đột phá trong cam kết tài trợ vaccine cho các nước thu nhập thấp; một mặt trận thống nhất để đối đầu với Trung Quốc; và “lên dây cót” cho cuộc gặp dự kiến diễn ra trong tuần này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Hãng tin Bloomberg đánh giá rằng, những gì mà ông Biden thu được từ hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc ở Cornwall, Anh chưa phải là hoàn hảo, nhưng đối với ông, như thế có lẽ đã đủ.

Thành công lớn nhất của hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc nằm việc ra được một tuyên bố chung, với chữ ký của tất cả các nhà lãnh đạo tham dự.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã rời Anh vào ngày Chủ nhật (13/6) sau cuộc gặp với lãnh đạo Anh, Nhật Bản, Italy, Canada, Đức, Pháp và Liên minh châu Âu (EU). Tại kỳ thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo G7 đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết, cho dù giữa họ đôi khi vẫn có những mâu thuẫn âm ỉ. Sự chỉ trích mà tuyên bố chung của hội nghị nhằm vào Trung Quốc không mạnh mẽ như kỳ vọng ban đầu, nhưng cam kết về tài trợ thêm vaccine cho các nước nghèo đã giúp dập tắt những cáo buộc Mỹ găm giữ vaccine.

Nhìn chung, ông Biden đã có nhiều nỗ lực để tạo ra một bầu không khí mới trong G7 sau những năm “sóng gió” thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Các nhà lãnh đạo khác trong khối thể hiện rõ sự thoải mái khi đón sự trở lại của một chính quyền dễ đoán hơn và truyền thống hơn ở Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự chào đón nhiệt tình đối với ông Biden.

Nhưng bên trong, những mâu thuẫn vẫn còn - theo Bloomberg.  Ban đầu, G7 cam kết tài trợ thêm 1 tỷ liều vaccine, nhưng con số thực chất chỉ là 613 triệu liều. Các nhà lãnh đạo cũng bất đồng về việc khối này nên đương đầu với Trung Quốc ở mức độ nào. Dù vậy, ông Biden vẫn đón nhận kết quả của kỳ thượng đỉnh và gọi đây là một thắng lợi.

NHỮNG BẤT ĐỒNG VỀ VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC

“Nói tóm lại, tôi rất hài lòng với kết quả của toàn bộ hội nghị”, ông Biden phát biểu tại môt cuộc họp báo ngày Chủ nhật, sau khi hội nghị kết thúc. “Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được một số bước tiến trong việc lập lại uy tín của nước Mỹ với những người bại thân thiết nhất của chúng tôi, cũng như lập lại được những giá trị của nước Mỹ”.

Thành công lớn nhất của hội nghị nằm việc ra được một tuyên bố chung, với chữ ký của tất cả các nhà lãnh đạo tham dự. Về vấn đề Trung Quốc, ông Biden nói ông “thoả mãn”, nhưng giới quan sát đưa ra những đánh giá khác nhau.

Ông Biden muốn tập hợp đồng minh nhất trí với một nỗ lực đa chiều để ứng phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu, bao gồm một chương trình đầu tư hạ tầng đầy tham vọng - nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh - và một chiến dịch chống lại điều mà Washington cho là Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo G7, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, không đồng tình với ý tưởng này vì lo ngại biến G7 trở thành một nhóm chống Trung Quốc. Ngoài ra, bà Merkel cũng cho rằng bất kỳ một chương trình hạ tầng nào cũng nên được xem là một nỗ lực thân thiện với môi trường, thay vì mang mục tiêu chính là cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

“Tôi rất hoan nghênh việc một lực lượng đã được tạo ra vào ngày hôm nay. Nhưng đây không phải là một lực lượng để chống lại điều gì, mà là để phục vụ một điều gì đó”, bà Merkel nói, ngầm phản đối lời kêu gọi về một mặt trận chống Trung Quốc.

Ông Macron thậm chí còn nói thẳng thừng, rằng “G7 không phải là một nhóm thù nghịch với Trung Quốc”.

Các nhà lãnh đạo G7 dự thượng đỉnh ở Cornwall, Anh, hôm 11/6 - Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo G7 dự thượng đỉnh ở Cornwall, Anh, hôm 11/6 - Ảnh: Reuters.

Tuyên bố chung kết thúc hội nghị có đề cập đến Trung Quốc, nhưng không nói cụ thể đến nước này ở phần lên án nạn lao động cưỡng bức. Tuyên bố cũng không nhắc đến sáng kiến Vành đai và Con đường.

CON SỐ THỰC CHẤT VỀ TÀI TRỢ VACCINE

Về tài trợ vaccine, tuyên bố chung đưa ra cam kết 1 tỷ liều. Bà Merkel nói rằng đến năm 2022, các nước trong G7 sẽ hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ liều vaccine cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một quan chức châu Âu, con số mà bà Merkel đưa ra bao gồm cả những đợt tài trợ vaccine đã được công bố từ trước.

Xét cho cùng, đối với ông Biden, hội nghị G7 và những bức ảnh các nhà lãnh đạo khối đứng thân thiết bên nhau có lẽ đã là đủ.

“Nhận thức được rằng việc chấm dứt đại dịch trong năm 2022 sẽ đòi hỏi phải tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số toàn cầu, chúng tôi sẽ tăng cường hành động để cứu sinh mạng”, tuyên bố chung viết.

Số vaccine mà G7 cam kết tài trợ mới tại hội nghị này thực chất chỉ là 613 triệu liều. Nếu cộng thêm cả số vaccine cam kết trước đó trong những tuần gần đây, thì con số là gần 870 triệu liều. Để đưa ra con số 1 tỷ liều, G7 đã gom cả những cam kết đưa ra từ tháng 2.

Nhiều vấn đề gai góc trong nội bộ G7 cũng không được giải quyết trong kỳ thượng đỉnh này. Chẳng hạn, ông Biden rời Anh mà không đưa ra tuyên bố mới nào về mở cửa biên giới, thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hoá nhiều nước trong khối vẫn giữ nguyên, hay đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) – một dự án hợp tác giữa Nga và Đức mà nhiều nước phương Tây trong đó có Mỹ kịch liệt phản đối.

Rời Anh, ông Biden tới Brussels để dự thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày thứ Hai và các cuộc gặp với lãnh đạo EU vào ngày thứ Ba.

Xét cho cùng, đối với ông Biden, hội nghị G7 và những bức ảnh các nhà lãnh đạo khối đứng thân thiết bên nhau có lẽ đã là đủ. Bởi nhà lãnh đạo Mỹ muốn thể hiện một mặt trận thống nhất để chuẩn bị cho cuộc gặp vào ngày thứ Tư với ông Putin. Phía Nhà Trắng nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga sẽ không có họp báo chung khi kết thúc.

Các tin khác