Nỗi ám ảnh cực hữu ở châu Âu

(ĐTTCO) - 20 năm trước, vào tháng 2-2000, một làn sóng chấn động vang dội từ trung tâm châu Âu: Đảng Tự do cực hữu của Áo, được thành lập năm 1956, vào chính phủ. Từ đó tới nay, làn sóng cực hữu ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh châu Âu gồng mình tiếp nhận lượng người nhập cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi.

Người dân Đức tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Hanau

Người dân Đức tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Hanau

Nỗi đau từ nước Đức

Ngày 24-2, một chiếc ô tô đã lao vào đám đông tham gia diễu hành lễ hội Carnival “Thứ hai hoa hồng” tại thị trấn Vollmarsen thuộc bang Hessen, miền Trung nước Đức, khiến hơn 30 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Điều tra ban đầu xác định tài xế là một người đàn ông địa phương mang quốc tịch Đức, 29 tuổi.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ Bild, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Đức Ulrike Schake xác nhận nhiều người bị thương trong vụ lao xe này. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter, cảnh sát cho biết tất cả lễ hội Carnival diễn ra tại khu vực Bắc bang Hessen sẽ bị hủy bỏ.

Đây là hành động tấn công khủng bố với động cơ phân biệt chủng tộc và là vụ tấn công khủng bố cực đoan thứ 3 xảy ra ở Đức trong vài tháng qua. Ngày 19-2, một phần tử cực hữu xả súng tại 2 quán bar shisha ở thị trấn Hanau, làm 11 người thiệt mạng (kể cả hung thủ). Người dân Berlin đã hô vang các khẩu hiệu chống phát xít. Kẻ tấn công, 43 tuổi, tên là Tobias R., đã để lại những văn bản và video, trong đó anh ta kêu gọi diệt chủng và tuyên bố đã bị giám sát từ khi sinh ra. Chính phủ Đức cho biết kẻ tấn công có dấu hiệu của “tâm lý phân biệt chủng tộc sâu sắc”.

Bộ Nội vụ Đức đã báo động an ninh trên cả nước, trong đó đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công.

Tham gia chính trường

Sự trỗi dậy của làn sóng cực hữu, cực đoan tại châu Âu bắt đầu vào năm 2000, nhưng mạnh lên từ những năm 2007-2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tự đánh giá lại những lợi ích của dòng người nhập cư vào đất nước của họ cũng như khởi xướng các cuộc tranh luận về bản sắc dân tộc.

Bà Le Pen, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp, đã lấn át những người thuộc đảng Xã hội để tranh cử tổng thống vào năm 2017. Mặc dù cuối cùng bị ông Macron đánh bại, bà vẫn thu hút được hơn 10 triệu phiếu bầu. Tại Đức, đảng cực hữu Đức AfD đã giành thắng lợi lớn trong 2 cuộc bầu cử nghị viện cấp vùng trong năm 2019 ở Sachsen (27,5%) và Brandenburg (22,5%), vượt qua cả đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Angela Merkel.

Không chỉ ở Pháp và Đức, đại diện của các đảng cực hữu hay dân tộc cực đoan đã giành ghế tham gia các liên minh cầm quyền ở Đan Mạch, Phần Lan, Italy và Hà Lan để làm đối tác hỗ trợ những người bảo thủ truyền thống không thể giành được đa số nghị viện.

Năm 2019, đảng Mặt trận quốc gia Pháp, đảng Liên đoàn của Italy và đảng Brexit ở Anh, những đảng cực hữu hoặc dân tộc cực đoan, đã giành được nhiều phiếu nhất so với các đảng khác của các nước này trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Báo Washington Post từng có bài phân tích cho rằng nguyên nhân bạo lực cực hữu gia tăng ở châu Âu liên quan tới sự bùng nổ của dòng người di cư tới châu lục này trong những năm gần đây. Ngoài ra, kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội gia tăng cũng góp phần đẩy sự bất bình của dân chúng tăng cao.

Các tin khác