Nobel Kinh tế 2019: Vinh danh nghiên cứu xóa đói giảm nghèo

(ĐTTCO) - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh tế 2019 thuộc về các nhà khoa học với nghiên cứu về cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu. 
Nobel Kinh tế 2019: Vinh danh nghiên cứu xóa đói giảm nghèo
Cụ thể, Giải Nobel Kinh tế năm nay thuộc về 3 người là nữ Giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Pháp Esther Duflo, nhà kinh tế người Mỹ Abhijit Banerjee và Giáo sư kinh tế của Đại học Havard Micheal Kremer.
Phát biểu tại lễ công bố, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết ba nhà kinh tế được vinh danh với công trình nghiên cứu - khai phá các phương thức và cách tiếp cận cho các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới nhằm giảm thiểu đói nghèo. 
Nhà kinh tế Abhijit Banerjee sinh ra tại Ấn Độ và hiện làm tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ. Còn Esther Duflo, sinh ra tại Pháp, cũng làm việc ở Viện Công nghệ Massachusetts. Michael Kremer, người Mỹ, hiện làm việc ở Đại học Harvard, Cambridge, Mỹ.
Abhijit Banerjee và Esther Duflo, cùng với Michael Kremer, cũng thực hiện các nghiên cứu tương tự về các vấn đề khác và ở các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ. Phương pháp nghiên cứu thử nghiệm của nhóm giờ đây được phổ biến rộng rãi trong phát triển kinh tế.
Với 700 triệu người vẫn sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ và nhiều trẻ em rời khỏi trường mà không được hưởng nền giáo dục cơ bản. Thành quả trực tiếp của nghiên cứu này là hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm rất hiệu quả trong trường học. Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp cho chăm sóc y tế dự phòng đã được giới thiệu ở nhiều quốc gia. Điều quan trọng là các nghiên cứu đã xác định nguyên nhân của nghèo đói để đưa ra kết luận về tác động nhân quả và thực hiện các chính sách có hiệu quả về chi phí.
Vào giữa những năm 1990, nhà kinh tế học Michael Kremer và các đồng nghiệp đã sử dụng thí nghiệm thực địa để kiểm tra hiệu quả của một loạt phương pháp giúp cải thiện kết quả học tập ở phía tây Kenya.
Thông thường, các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận chung chung về người nghèo, nghĩ rằng người nghèo hoàn toàn tuyệt vọng, hoặc lười biếng, hoặc buôn bán nhỏ lẻ, mà không hiểu nguyên nhân, bà Duflo chia sẻ: “Điều quan trọng là phải hiểu được nguồn gốc sâu xa của nghèo đói. Cách tiếp cận của chúng tôi là giải nén từng vấn đề một, và kiểm tra chúng một cách khoa học nhất có thể”.
Giải Nobel Kinh tế 2019 cũng ghi nhận bà Duflo là người phụ nữ thứ hai, và là người trẻ tuổi nhất từng được trao giải thưởng này. Người phụ nữ đầu tiên nhận Nobel kinh tế là từ 50 năm trước.
Với việc trở thành người phụ nữ thứ hai giành giải này, bà Duflo cho biết bà hy vọng sẽ đại diện cho tất cả phụ nữ đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế. Nhà khoa học cũng cảnh báo rằng phụ nữ đang bị đối xử bất công trong lĩnh vực này.
Tại buổi họp báo sau trao giải, bà Duflo nhấn mạnh: “Phụ nữ xứng đáng được tôn trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế”. Chúng ta đang ở thời đại mà mọi người bắt đầu nhận ra rằng không phải lúc nào phụ nữ cũng được đối xử tốt, cả trong cách chúng ta cư xử riêng tư và công khai với nhau. Bằng việc chứng minh phụ nữ có thể thành công và được công nhận, tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tiếp tục làm việc, và nhiều người đàn ông khác phải dành cho họ sự tôn trọng mà họ xứng đáng như đối với mọi người khác”.
Ủy ban giải thưởng của Học viện Hoàng gia Thụy Điển cho biết họ rất lạc quan về khả năng nhiều nhà kinh tế học nữ sẽ được công nhận trong tương lai. Ủy ban cho biết rằng bà Esther Duflo cũng giành được Huy chương John Bates Clark cho các nhà kinh tế dưới 40 tuổi (thường được gọi là giải Nobel nhỏ) vào năm 2010. Ủy ban cũng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng bà Duflo giành chiến thắng vì là phụ nữ. Bà được trao giải vì nghiên cứu xuất sắc, giống như nghiên cứu của hai đồng tác giả Banerjee và Kremer.
Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2019. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học, Nobel Văn học và Nobel Hòa bình 2019 đã được công bố.

Các tin khác