Nhộn nhịp thị trường việc làm

Trong lúc nạn thất nghiệp đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường việc làm tại Singapore vẫn tiếp tục nhộn nhịp.

Trong lúc nạn thất nghiệp đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường việc làm tại Singapore vẫn tiếp tục nhộn nhịp.

Theo thống kê của Bộ Nhân lực Singapore (MOM), trong năm ngoái hơn 9/10 sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng và  dạy nghề (ĐH-CĐ-DN) trên đảo Sư Tử  tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi tại Singapore là 6,7%, thấp nhất thế giới nếu so với nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản (8,1%), Đức (8,1%), Anh (20,9%), Thụy Điển (23,6%), Tây Ban Nha (53,1%).

Chúng tôi khuyên SV đừng nghĩ rằng khi có tấm bằng cử nhân NUS chắc chắn có việc làm. Nếu các em không thể hiện với chủ sử dụng lao động 5 phẩm chất theo yêu cầu trên sẽ đứng ngoài cuộc chơi, cho dù tốt nghiệp hạng xuất sắc.

Corrine Ong,
Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp NUS

Có thể lý giải điều này bằng những ưu điểm của của hệ thống trường lớp đặt trọng tâm vào đào tạo kỹ năng, chương trình đại học gắn với nhu cầu thị trường, nền kinh tế năng động uyển chuyển, thị trường lao động linh hoạt và quản trị nhà nước tốt. Nhưng câu trả lời không đơn giản như vậy, mà trên thực tế nền giáo dục Singapore trong thời gian qua đã phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được những thành tựu này, đồng thời phải luôn sẵn sàng chuẩn bị với những thách thức trước mắt.

Trên nhật báo The Straits Times (TST) có câu chuyện về một nữ sinh viên 19 tuổi tên Syahirah Nurdiyana của Trường Cao đẳng Singapore Polytechnic học ngành  truyền thông kỹ thuật số năm cuối, đã có việc làm ngay sau 4 tháng thực tập tại một doanh nghiệp (DN) xuất bản tạp chí kỹ thuật số.

Bạn có thể cho đó là may mắn  nhưng tại Singapore, trường hợp của cô sinh viên này là một phần của hệ thống đào tạo sau bậc phổ thông được thiết kế để liên kết chương trình giảng dạy với nhu cầu DN.

Sinh viên tìm cơ hội việc làm ngay tại NUS.

Sinh viên tìm cơ hội việc làm ngay tại NUS.

Theo ông Adrian Chua, Giám đốc chính sách và hoạch định nhân lực MOM, các trường ĐH-CĐ-DN tại Singapore được đánh giá dựa trên tiêu chí SV tốt nghiệp tìm được việc làm hay không và đây là chỉ tiêu đánh giá thành tích (KPI) đối với tất cả cơ sở đào tạo công lập sau bậc phổ thông.

Ông Chua tiết lộ: “Chúng tôi khuyến khích các trường đưa ra những chương trình đào tạo hỗn hợp nhưng cân đối để đáp ứng tốt nhu cầu của các ngành nghề, sao cho SV tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm nhất”. DN được tham gia vào các hội đồng tư vấn chương trình học của các trường với sự cộng tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan chức năng của chính phủ.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ các trường ĐH-CĐ-DN cũng chủ động tìm cơ hội thực tập cho SV với các đối tượng sử dụng lao động đa dạng từ DN nhỏ đến tập đoàn đa quốc gia.

Hàng năm, Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đều có khảo sát với chủ sử dụng lao động về 5 phẩm chất quan trọng của một SV tốt nghiệp là kỹ năng giao tiếp, động cơ, kỹ năng cộng tác với người khác, sáng kiến và khả năng làm việc nhóm. Theo đó, SV mới nhập học đã được nhà trường lưu ý về những thông tin nói trên và xây dựng các chương trình huấn luyện theo định hướng đó.

Theo kinh tế gia Alvin Liew của Ngân hàng UOB, lợi thế của Singapore là nhỏ, linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để bắt kịp với nhu cầu thay đổi của ngành nghề và nền kinh tế. Khi chính phủ quyết định tăng trưởng một ngành nào đó, các trường ĐH-CĐ sẽ bắt tay với DN để nhanh chóng có con số SV tốt nghiệp chuẩn bị đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. 

Singapore 27-7-2013

Các tin khác