Mỹ lại tung đòn gió với Trung Quốc?

(ĐTTCO) - Ngày thứ Năm 3-6 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào cổ phiếu của hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc. Mỹ cho rằng các doanh nghiệp này có dính líu đến các hoạt động quốc phòng hay trong lĩnh vực công nghệ giám sát. Chuyện này thực ra là tiếp tục của nhiệm kỳ trước, nhưng liệu có vì thế mà Mỹ-Trung căng thẳng thêm?
Huawei chưa thể thoát các lệnh hạn chế của Mỹ. Ảnh minh họa
Huawei chưa thể thoát các lệnh hạn chế của Mỹ. Ảnh minh họa

Quyết định mới sẽ áp dụng với các cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách mà Bộ Tài chính đưa ra, thay vì Bộ Quốc phòng như trước đây. Danh sách này sẽ được xem xét cập nhật theo chu kỳ (rolling basic), nhằm cấm các nhà đầu tư mua bán các cổ phiếu này.

Vì sao nhắm vào cổ phiếu Trung Quốc?

Mục đích chính của chính sách Mỹ đưa ra là nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ gián tiếp của các nhà đầu tư, qua việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, tình báo hay an ninh, các chương trình nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp này, vì đây là mối quan ngại đối với mối đe dọa soán ngôi vị trí số một của Mỹ.

Lần này, chính phủ của Tổng thống Biden mở rộng phạm vi của danh sách cũ, khi thêm lĩnh vực công nghệ giám sát, và một lý do quan trọng mà đích thân ông Biden nêu ra, là công nghệ giám sát của Trung Quốc hạn chế hay vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền.

Trong danh sách mới lần này, các doanh nghiệp có tiếng tăm lần trước trong "bảng phong thần" của Bộ Quốc phòng cũng xuất hiện trở lại, như Tổng công ty Công nghiệp Hàng không (AVIC), Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, Tổng công Ty Dầu khí Ngoài khơi (CNOOC), Huawei, Tổng công ty sản xuất linh kiện bán dẫn quốc tế (SMIC), và Công ty Công nghệ Số Hangzhou Hikvision.

Nhưng danh sách mới cũng loại bỏ những cái tên quan trọng khác như Xiaomi, Tổng công ty sản xuất máy bay dân dụng COMAC, là đối thủ của Airbus và Boeing, và hai công ty sản xuất linh kiện bán dẫn là Gowin và Luokung.

Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng tăng, nhất là sau những gì mà nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã khá cứng rắn qua cuộc chiến thuế quan, thì các chính sách của ông Biden cũng sẽ tiếp tục vì lợi ích của Mỹ, vì sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ.

Chỉ là đòn gió?

Chính sách cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc, coi như là một hình thức hỗ trợ gián tiếp đã có từ thời Tổng thống Trump. Nhưng việc chuyển trách nhiệm lập danh sách từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Tài chính là cách mà chính phủ mới thấy là hiệu quả hơn. Tuy vậy, một mục tiêu lớn mà chính phủ cũ nhắm đến là Xiaomi, lại bị lọt sổ trong danh sách mới.

Một cựu quan chức của Bộ An ninh nội địa Mỹ, cho rằng Trump đã đúng về nguyên tắc nhưng thực hiện lại chưa đúng, và chính phủ mới sẽ sửa sai chuyện này.

Mỹ lại tung đòn gió với Trung Quốc? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3-6 đã ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào cổ phiếu của hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Có điều khi danh sách mới được công bố vào thứ Năm giờ Mỹ, thì sáng hôm sau nhà đầu tư Trung Quốc như dội một gáo nước lạnh vào tin tức này. Hầu hết các cổ phiếu có tên trong danh sách, bao gồm cả những cái tên mới được thêm vào, đều tăng giá.

Lý do là vì các nhà đầu tư Trung Quốc biết rằng các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp then chốt trong hai ngành mà chính phủ Trung Quốc dành nhiều ưu tiên, là quốc phòng và bán dẫn. Với sự hậu thuẩn của chính phủ Trung Quốc trong chuyện phát triển kinh doanh, thì đây là những cơ hội đầu tư rất tốt.

Mà đâu chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc thấy cơ hội này. Các nhà đầu tư quốc tế trong đó có Mỹ, cũng thấy, và vì vậy họ mới dành chỗ cho các cổ phiếu này trong danh mục đầu tư của mình.

Chính vì vậy, quyết định sẽ là đòn gió khi chỉ cấm việc nhà đầu tư mua bán trực tiếp. Nhưng nếu nhà đầu tư Mỹ đầu tư gián tiếp thì sao?

Ai cũng biết các quỹ đầu tư ETF là những tay to trên thị trường tài chính, họ không chỉ đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu nào đó mà còn có hình thức đầu tư vào quỹ khác (fund of funds). Do đó, nếu một nhà đầu tư Mỹ mua một quỹ ETF (gọi là quỹ A), mà quỹ ETF này đầu tư vào các cổ phiếu trong danh sách bị cấm thì sao?

Rồi nếu quỹ ETF A đầu tư vào quỹ ETF quốc tế B, mà quỹ B lại đầu tư vào các cổ phiếu bị cấm thì sẽ như thế nào ? Phức tạp hơn nữa là trong trường hợp xuất hiện vào chuỗi đầu tư vài quỹ khác C,D,E,F ?

Đòn thật là gì và khi nào?

Căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng có ý thức hệ khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Những cú đánh trực diện của chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump qua cuộc chiến thuế quan, giám sát việc đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, truy lùng hoạt động gián điệp kinh tế, công nghệ, đã khiến Trung Quốc rất khó chịu và phải trả đũa qua lại.

Việc ngăn cấm nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào cổ phiếu của một số doanh nghiệp Trung Quốc thực ra khó mà mang lại hiệu quả thực tế, vì nhiều khả năng chỉ tồn tại trên văn bản.

Mỹ lại tung đòn gió với Trung Quốc? ảnh 2 Xiaomi là cái tên quan trọng không có trong "bảng phong thần" của chính quyền ông Biden. Ảnh: Bloomberg.
Một điều quan trọng hơn nữa là các doanh nghiệp Trung Quốc này cũng không thực sự quá thiếu thốn về vốn mà cần dòng tiền từ các nhà đầu tư Mỹ. Cái mà các doanh nghiệp này cần là công nghệ, là nhân lực cao cấp trong các lĩnh vực cạnh tranh với Mỹ. Chính vì hạn chế hai điểm này mới là thực sự hạn chế sự trỗi dậy cạnh tranh của Trung Quốc.

Thêm vào đó, mức sinh lợi cao của các doanh nghiệp này cũng là một sức hút khó cưỡng lại với các nhà đầu tư Mỹ, những người cũng đã nổi tiếng với chủ nghĩa thực dụng.

Nước Mỹ và thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi được khủng hoảng Covid-19. Các ưu tiên quan trọng bây giờ là khống chế hoàn toàn dịch bệnh, và đưa kinh tế phục hồi trở lại quỹ đạo phát triển. Chỉ đến khi đó thì chính quyền của ông Biden mới có thời gian và tâm trí đương đầu với Trung Quốc.

Và cách đương đầu tốt nhất giữa những đối thủ lớn với nhau, vẫn nên là trực diện và mạnh mẽ.

Mục đích chính của chính sách Mỹ đưa ra là nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ gián tiếp của các nhà đầu tư qua việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, tình báo hay an ninh… Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không thực sự quá thiếu thốn về vốn mà cần dòng tiền từ các nhà đầu tư Mỹ.

Các tin khác