Malaysia giảm trợ cấp xăng dầu

Malaysia vừa tuyên bố giảm trợ cấp xăng dầu lần đầu trong 3 năm để giảm thâm hụt ngân sách, với mức giảm 20 sen/lít đối với cả xăng và dầu diesel, đẩy giá dầu diesel lên 2 ringgit/lít (12.854 đồng) và xăng lên 2,1 ringgit/lít (13.497 đồng).

Malaysia vừa tuyên bố giảm trợ cấp xăng dầu lần đầu trong 3 năm để giảm thâm hụt ngân sách, với mức giảm 20 sen/lít đối với cả xăng và dầu diesel, đẩy giá dầu diesel lên 2 ringgit/lít (12.854 đồng) và xăng lên 2,1 ringgit/lít (13.497 đồng).

Động thái này diễn ra lần đầu tiên kể từ tháng 12-2010, được nhìn nhận có thể giúp giảm bớt những căn thẳng cả về kinh tế lẫn chính trị, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục cắt giảm danh mục đầu tư của họ ở các thị trường mới nổi. “Thị trường sẽ tự tin hơn nếu chúng ta có thể giảm được thâm hụt ngân sách” - Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với báo giới tại thủ đô hành chính Putrajaya.

Những đồng tiền của các nước mới nổi như Ấn Độ và Indonesia bị bán tháo thời gian qua làm thổi bùng những lo ngại rằng các nền kinh tế Đông Nam Á với những nền tảng yếu kém có thể chịu lây lan. Động thái này được châm ngòi sau tin tức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể giảm quy mô gói kích thích 85 tỷ USD mỗi tháng ngay trong tháng này.

Việc đó đã khiến tiền tệ và thị trường chứng khoán các nước châu Á lao dốc, trong đó có Malaysia. Đồng ringgit nước này đã mất giá 10% so với USD kể từ tháng 5. Một số nhà phân tích cho rằng việc Malaysia giảm trợ cấp xăng dầu cũng là một cách để Chính phủ nâng niềm tin của nhà đầu tư, ngăn họ rút thêm tiền khỏi nền kinh tế.

Năm 2012, thâm hụt ngân sách của Malaysia là 4,5% GDP, mức cao thứ nhì ở các thị trường mới nổi, chỉ sau Ấn Độ. Đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu Fitch đã dẫn thâm hụt ngân sách cao như một trong các nguyên nhân chính khiến họ hạ bậc triển vọng tín dụng A-/A của Malaysia xuống “tiêu cực”, từ mức “ổn định” vào cuối tháng 8.

Một trạm xăng ở Malaysia.

Một trạm xăng ở Malaysia.

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Najib nhấn mạnh chính phủ cần cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP trong năm nay và 3,5% trong năm 2014, trước khi đạt thặng dư vào năm 2020. Dù vậy, ông cho biết các dự án công lớn như hệ thống vận chuyển nhanh ở thủ đô Kuala Lumpur vẫn được tiếp tục.

Trong khi đó, các hãng đánh giá tín nhiệm nói Malaysia cần triển khai nhiều cải tổ kinh tế để xốc lại chi tiêu công, bao gồm việc giảm các trợ cấp của chính phủ. Chính phủ Malaysia đã phải chi 24 tỷ ringgit (7,31 tỷ USD) trợ cấp xăng dầu năm ngoái, khiến thâm hụt nước này ngày càng tăng.

Việc cắt giảm trợ cấp xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 3-9, ước tính sẽ giúp chính phủ tiết kiệm được 1,1 tỷ ringgit (0,33 tỷ USD) trong năm nay và thêm 3,3 tỷ ringgit (1 tỷ USD) vào năm tới, theo ông Najib. “Nó sẽ tác động lên lạm phát. Một khi triển khai, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ đáng kể.

Nếu các công ty lợi dụng dịp này để tăng giá, Ngân hàng Trung ương phải sẵn sàng hành động để kiềm chế lạm phát” - nhà phân tích Irvin Seah của DBS ở Singapore nói. Thủ tướng Najib đã cảnh báo các doanh nghiệp không được té nước theo mưa để tăng giá, đồng thời cam kết sẽ trợ cấp tiền mặt nhiều hơn cho các hộ nghèo khi công bố ngân sách vào ngày 25-10.

Giới quan sát cũng cho rằng Najib muốn nâng cao vị thế chính trị của mình ở cương vị nhà lãnh đạo kinh tế (Bộ trưởng Tài chính), khi có thể đối mặt với việc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng của mình vào tháng 10, trước khi công bố ngân sách. Trước Malaysia, hồi tháng 6, Quốc hội Indonesia cũng thông qua tăng giá nhiên liệu trung bình 33%.

Giá xăng có trợ cấp mới sẽ là 6.500 rupiah (12.394 đồng) và dầu diesel là 5.500 rupiah (10.488 đồng) mỗi lít. Ngân hàng Trung ương Malaysia vừa hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay xuống mức 4,5-5%, so với dự báo 5-6% đưa ra trước đó. Động thái này diễn ra sau khi tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong quý II năm nay cao hơn 4,3% so với năm ngoái, nhưng thấp hơn dự báo 4,9% của giới chuyên gia.

Các tin khác