Malala Yousafzai - Không mất ủng hộ

Quyết định không trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động xã hội 16 tuổi Malala Yousafzai (ảnh) đã khiến dư luận dậy sóng tranh cãi. Phần lớn mọi người trên khắp thế giới có phản ứng thất vọng, nhưng ít nhất có một nhóm người hài lòng: quân Hồi giáo Taliban - những kẻ đã cố sức giết chết cô bé.

Phát ngôn viên Taliban Shahidullah Shahid gọi đây là “một tin tốt’ và ca ngợi Ủy ban Nobel vì “đã không chọn con nhãi ranh cho giải thưởng danh giá này”. Trước đó, giới truyền thông đã khen tặng Malala là “cô gái dũng cảm nhất” và gần như chắc chắn ứng viên Malala sẽ trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay.

Malala bắt đầu viết blog vào năm 2009, trong đó tường thuật Taliban đã bằng mọi cách bắt phụ nữ phải ru rú trong nhà, ngăn cấm trẻ em gái đến trường. Taliban đã nhiều lần đe dọa lấy mạng Malala vì cô dám lên tiếng phản đối chế độ Taliban hà khắc và đấu tranh cho quyền được học hành của các cô gái.

Tháng 10 năm ngoái, Malala bị quân Taliban bắn nhiều phát vào người khi đang trên xe buýt từ trường về nhà ở Swat Valley, miền Tây Bắc Pakistan. Cô bé được đưa sang Anh quốc phẫu thuật. Hàng ngàn người đã cầu nguyện cho em qua khỏi cơn nguy khốn.

Malala đã trở lại với cuộc sống và càng hoạt động kiên cường hơn. Giết hụt Malala, quân Taliban tức giận tuyên bố sẽ tiếp tục săn đuổi, ám sát cô bé cho bằng được. Taliban cũng cảnh cáo sẽ thủ tiêu bất cứ chủ cửa hàng nào ở Pakistan dám bán quyển sách mới của cô gái “Tôi là Malala”.

Malala cho biết việc Taliban ám sát cô chỉ làm cô càng thêm quyết tâm đấu tranh. Malala đã được sự hưởng ứng rộng rãi ở Pakistan và trên thế giới, cũng như được trao một số giải thưởng quốc tế. Liên hiệp quốc đã tuyên bố ngày 10-11 là “Ngày Malala”.

Cô đã thành lập Quỹ Malala quyên góp tiền giúp trẻ em gái ở Pakistan đến trường. Tài khoản Twitter của Quỹ Malala ghi rằng: “Chúc mừng Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) được trao giải Nobel Hòa bình và công việc tuyệt vời vì nhân loại. Tôi lấy làm vinh dự đã được đề cử cho giải Nobel”.

Dù lần này Malala vuột giải Nobel Hòa bình, nhưng các chính trị gia Pakistan vẫn bày tỏ lòng ủng hộ dành cho cô. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia PTV, Thủ tướng Nawaz Sharif nói: “Malala là ngọn đuốc sáng và là tấm gương cho những người khác noi theo, cô là niềm tự hào của Pakistan”.

Nữ chính trị gia nhiều triển vọng của Pakistan Sherry Rehman thậm chí nghi ngờ vấn đề vũ khí hóa học ở Syria đang nóng bỏng nên Ủy ban Nobel đã vì động cơ chính trị mà trao giải cho OPCW. 

Các tin khác