LHQ: Đại dịch Covid-19 có thể kích ngòi xung đột trên thế giới

Ngày 31-3, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đánh giá đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ đại dịch kích ngòi xung đột trên thế giới.


Trụ sở LHQ tại Mỹ.
Trụ sở LHQ tại Mỹ.

Nói về quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Guterres lưu ý, đại dịch Covid-19 đặt ra "mối đe dọa đối với cuộc sống tất cả người dân trên thế giới và tác động kinh tế của đại dịch sẽ dẫn tới suy thoái toàn cầu”.

"Kết hợp hai yếu tố trên với nguy cơ bất ổn và xung đột leo thang, chúng tôi cho rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai", ông Guterres cho biết.

"Công tác ứng phó đại dịch Covid-19 sẽ chỉ có thể mạnh mẽ và hiệu quả hơn nếu tất cả chúng ta đoàn kết, bỏ qua những chiêu bài chính trị và hiểu rằng đây là mối đe dọa đối với toàn nhân loại", Tổng Thư ký LHQ kêu gọi.

Đến nay, đại dịch Covid-19 lây nhiễm cho gần 860.000 người, làm chết hơn 42.000 người và gây ra sự tàn phá kinh tế có quy mô toàn cầu.

Ông Guterres đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đẩy doanh nghiệp nhỏ cùng những người dễ bị tổn thương trong nền kinh tế phi chính thức vào tình thế khốn đốn. Ngoài ra, Covid-19 có thể từ các nước nghèo, nhất là ở khu vực châu Phi, trở lại tấn công các nước giàu một lần nữa, và khi đó hàng triệu người sẽ thiệt mạng.

"Chúng ta đang dần di chuyển đúng hướng, nhưng cần phải tăng tốc và làm nhiều hơn nữa nếu muốn đánh bại Covid-19", ông Guterres nói.

Tổng Thư ký LHQ cho biết hiện vẫn chưa có gói cứu trợ toàn cầu để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển ngăn chặn đại dịch lan rộng và giải quyết các hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 31-3, LHQ đã thiết lập một quỹ mới để hỗ trợ các nước đang phát triển, sau khi kêu gọi quyên góp cho các quốc gia nghèo và đang trong xung đột hồi tuần trước.

Theo ông Guterres, ngoài nguồn viện trợ truyền thống từ các nước giàu, chúng ta cần có các công cụ tài chính sáng tạo để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó đại dịch Covid-19.

Được thành lập vào năm 1945, LHQ đặt trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) và hiện có 193 quốc gia thành viên.

Các tin khác