Lật bài Chiến lược “săn phượng hoàng” của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Trong một báo cáo lớn được công bố vào ngày 20-8, một tổ chức tư vấn của Australia phát hiện cách các cơ quan/tổ chức của nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng các “trạm tuyển dụng nhân tài” ở nước ngoài để tiếp cận công nghệ thông qua các phương tiện “bất hợp pháp hoặc không minh bạch”. 

Lật bài Chiến lược “săn phượng hoàng” của Trung Quốc
Báo cáo “Săn Phượng hoàng” của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) khẳng định, Bắc Kinh có ít nhất 600 trạm săn đầu người trên khắp thế giới, dùng để phát hiện và tuyển dụng các nhà khoa học và công nghệ có giá trị đối với nhiệm vụ thống trị công nghệ của Trung Quốc. Và theo thống kê chính thức, các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc đã thu hút gần 60.000 chuyên gia ở nước ngoài từ năm 2008-2016.

Bí mật và phi pháp?
Việc tuyển dụng nhân tài vốn dĩ không phải là vấn đề, nhưng quy mô, tổ chức và mức độ sai trái liên quan đến các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc khiến chúng khác biệt với nỗ lực của các quốc gia khác và khiến nhiều nước lo ngại. Một cuộc điều tra của hệ thống Đại học Texas A&M đã phát hiện hơn 100 nhân viên có liên quan đến các chương trình nhân tài của Trung Quốc, nhưng chỉ có 5 nhân viên tiết lộ thông tin này mặc dù họ được yêu cầu làm như vậy.
Mức độ sai phạm đó chưa được báo cáo ở các nỗ lực tuyển dụng nhân tài của các nước khác. Thí dụ, một quan chức từ Cục Quản lý Nhà nước về Chuyên gia Nước ngoài của Trung Quốc đã tham gia vào việc đánh cắp công nghệ tên lửa của Mỹ, thông qua việc tuyển dụng một nhà khoa học Mỹ là Noshir Gowadia.
Hay các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc cũng được sử dụng để khuyến khích và khen thưởng cho hoạt động gián điệp kinh tế. Thí dụ, vào năm 2013, Zhao Huajun đã bị bắt giam ở Mỹ sau khi ăn cắp các lọ hợp chất nghiên cứu ung thư. 1 tháng sau khi ra tù, Zhao được Đại học Y khoa Chiết Giang Trung Quốc tuyển dụng thông qua chương trình Học giả Tiềm Giang. 
Các chương trình tuyển dụng nhân tài cũng gắn liền với việc thương mại hóa nghiên cứu. Những người đăng ký “Kế hoạch Ngàn tài năng” có thể tham gia với tư cách “doanh nhân” thay vì là “nhà khoa học”, với các công ty họ thành lập ở Trung Quốc.
Chẳng hạn một nhà tuyển dụng từ một trường đại học Australia đã thành lập một phòng thí nghiệm và một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc, sau đó đã nhận được tài trợ liên quan đến Trung tâm đầu tư mạo hiểm Ngàn nhân tài, nhưng không tiết lộ điều đó cho trường đại học ở Australia, chống lại các chính sách hiện có của trường đại học. Công ty của ông sau đó đã cung cấp công nghệ giám sát cho các nhà chức trách ở Tân Cương.
Các cuộc điều tra của Mỹ về những người tham gia vào các chương trình tuyển dụng nhân tài Trung Quốc đã dẫn đến việc Bắc Kinh gia tăng tính bí mật của các chương trình, thay vì cải cách để làm cho chúng minh bạch và có trách nhiệm hơn. Vào tháng 9-2018, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu xóa các tài liệu tham khảo đến “Kế hoạch Ngàn nhân tài” khỏi internet và ra lệnh cho các tổ chức sử dụng các phương pháp tuyển dụng bí mật hơn.
Một chỉ thị bị rò rỉ yêu cầu những người thực hiện công việc tuyển dụng cho kế hoạch không sử dụng email khi mời người tuyển dụng tiềm năng đến Trung Quốc để phỏng vấn, thay vào đó liên lạc qua điện thoại hoặc fax dưới chiêu bài mời họ tham dự hội nghị. Vào năm 2018, trang web chính thức của “Kế hoạch Ngàn tài năng” đã xóa tất cả các tin bài về chương trình, trước khi ngoại tuyến vào năm 2020.

Gián điệp kinh tế
Báo cáo của ASPI đã nêu 2 trường hợp điển hình cho thấy cách các trạm tuyển dụng nhân tài và các tổ chức của Trung Quốc đã dính líu đến hoạt động gián điệp kinh tế và thường có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống Mặt trận Thống nhất (MTTN) của nước này.
Trường hợp thứ nhất là Cao Guangzhi. Vào tháng 3-2019, Tesla đã kiện nhân viên cũ Cao Guangzhi, cáo buộc anh đánh cắp mã nguồn cho các tính năng tự lái (Autopilot) của hãng xe để đưa cho công ty khởi nghiệp Xiaopeng Motors của Trung Quốc. Vào tháng 7 cùng năm, Cao thừa nhận đã tải mã nguồn lên tài khoản iCloud của mình nhưng phủ nhận việc đánh cắp bất kỳ thông tin nào. Tesla gọi Autopilot là “viên ngọc quý” trong danh mục tài sản trí tuệ của mình, và tuyên bố đã chi hàng trăm triệu USD trong 5 năm để phát triển nó.
Thực ra Cao và hệ thống MTTN đã hợp tác tuyển dụng nhân tài từ gần một thập niên trước vụ kiện. Khi Cao nộp luận án tiến sĩ cho Đại học Purdue vào năm 2009, anh và 3 người bạn đã thành lập Hiệp hội các Tiến sĩ Ôn Châu ở Mỹ. Ngay từ khi thành lập, hiệp hội đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ CHND Trung Hoa. Hiệp hội này đã thực hiện việc tuyển dụng nhân tài thay mặt cho Trung Quốc.
1 năm sau khi thành lập, nó đã ký một thỏa thuận với MTTN của một quận ở Ôn Châu để điều hành một trạm tuyển dụng nhân tài thu thập thông tin về các nhà khoa học ở nước ngoài và thực hiện công việc tuyển dụng. Trong vài năm thành lập, hiệp hội đã xây dựng được một nhóm nhỏ nhưng ưu tú gồm hơn 100 thành viên. 
Đến năm 2017, các thành viên của hiệp hội bao gồm Lin Jianhai, Thư ký gốc Ôn Châu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); các kỹ sư của Google, Apple, Amazon, Motorola và IBM; các học giả tại Harvard và Yale; và 6 nhân viên chính phủ Mỹ. Ít nhất một trong số các thành viên của tổ chức này đã trở thành học giả Kế hoạch Ngàn tài năng tỉnh Chiết Giang thông qua đề xuất của nhóm. Hiệp hội cũng giúp Đại học Ôn Châu tuyển dụng một nhà khoa học vật liệu từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne của Chính phủ Mỹ.
Trường hợp thứ hai là Yang Chunlai, lại cho thấy sự chồng chéo của hệ thống MTTN và hoạt động gián điệp kinh tế. Yang là một lập trình viên máy tính tại CME Group, công ty quản lý các giao dịch phái sinh và hợp đồng tương lai như Chicago Mercantile Exchange. Làm việc tại CME Group từ năm 2000, anh bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ vào tháng 7-2011. Năm 2015, anh nhận tội ăn cắp bí mật thương mại vì đã ăn cắp mã nguồn CME Group trong một kế hoạch thành lập một công ty chứng khoán phái sinh ở Trung Quốc. Anh ta bị kết án 4 năm quản chế.
Trước khi bị bắt, Yang đóng vai trò trung tâm trong một nhóm MTTN thúc đẩy việc tuyển dụng nhân tài và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc: Hiệp hội các nhà khoa học và kỹ sư người Mỹ gốc Hoa (ACSE). Từ năm 2005-2009, anh là chủ tịch của nhóm. ACSE là một trong số hàng trăm nhóm dành cho các chuyên gia người gốc Hoa có liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh. ACSE và các nhà lãnh đạo của tổ chức này thường xuyên gặp gỡ các quan chức của Trung Quốc, đặc biệt là những người từ các cơ quan MTTN như Văn phòng các vấn đề Hoa kiều (OCAO).
Yang sau đó đã viết một lá thư cho OCAO đề xuất thành lập một công ty thương mại điện tử do anh ta lãnh đạo ở Zhangjiagang và yêu cầu sự hỗ trợ của văn phòng. Vào giữa năm 2010, anh ta đã gửi email bí mật thương mại của CME Group cho các quan chức ở Zhangjiagang và bắt đầu thành lập một công ty ở Trung Quốc. Đến tháng 12, anh ta bắt đầu lén lút tải mã nguồn từ CME Group vào một ổ cứng di động. Mối quan hệ của Yang với OCAO có lẽ đã tạo điều kiện và khuyến khích nỗ lực đánh cắp bí mật thương mại của anh ta để thành lập một công ty Trung Quốc, mà theo thỏa thuận nhận tội của anh ta sẽ trở thành “trạm trung chuyển tới Trung Quốc cho các công ty công nghệ tiên tiến trên thế giới”.

Liên quan với quân đội 
Việc tuyển dụng nhân tài cũng đang được quân đội Trung Quốc trực tiếp thực hiện. Thí dụ: Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT) đã tuyển dụng ít nhất 4 giáo sư từ nước ngoài, trong đó có một chuyên gia về siêu máy tính của Đại học New South Wales, thông qua Kế hoạch Ngàn tài năng.
Bên cạnh các chương trình tuyển dụng nhân tài chính thức, NUDT đã trao chức giáo sư danh dự cho nhiều nhà khoa học nước ngoài, như Gao Wei, một chuyên gia về khoa học vật liệu tại Đại học Auckland của New Zealand, được trao học vị giáo sư xuất sắc tại NUDT vào tháng 5-2014. Chỉ một tháng trước khi gia nhập NUDT, ông đã ký hợp tác với Cục Quản lý Nhà nước về các vấn đề chuyên gia nước ngoài với tư cách là chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học Trung Quốc ở New Zealand.
Việc tuyển dụng các nhà khoa học của quân đội được hỗ trợ bởi cùng một mạng lưới các trạm tuyển dụng ở nước ngoài và các tổ chức liên kết với Bắc Kinh đang hoạt động trong công tác tuyển dụng nhân tài nói chung. Các đoàn tuyển quân của Trung Quốc đã đi khắp thế giới và làm việc với các nhóm MTTN địa phương để tổ chức các buổi tuyển dụng.
Vào năm 2014, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc New South Wales (NSW-CSSA) đã tổ chức một sự kiện tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài cho NUDT và một số trường đại học dân sự liên kết quân sự. NSW-CSSA là Cơ quan cấp cao của CSSA và tổ chức các cuộc họp chung thường niên tại Lãnh sự quán Trung Quốc với sự hiện diện của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc (CAEP), nơi điều hành chương trình vũ khí hạt nhân của quân đội, đặc biệt tích cực trong việc tuyển dụng các chuyên gia ở nước ngoài. Đến năm 2014, CAEP đã tuyển dụng 57 nhà khoa học thông qua Kế hoạch Ngàn Nhân tài. CAEP điều hành Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến Khoa học và Công nghệ Áp lực cao ở Bắc Kinh một phần như một nền tảng để tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài.
Viện không đề cập đến mối liên kết của mình với CAEP trên trang web tiếng Anh, nhưng nó được điều hành bởi một nhà khoa học người Mỹ gốc Đài Loan, người đã tham gia CAEP thông qua Kế hoạch Ngàn Tài năng. Vì vậy, nhiều nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của Mỹ (một cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân) đã được tuyển dụng vào các cơ sở Trung Quốc mà họ được cho là “câu lạc bộ Los Alamos”.
Các tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng tham gia vào các hoạt động tương tự. Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), chuyên phát triển thiết bị điện tử quân sự, đã và đang xây dựng sự hiện diện của mình tại Áo, nơi họ đã mở trụ sở chính ở châu Âu vào năm 2016 và điều hành một phòng thí nghiệm chung với Đại học Công nghệ Graz. Nhà sản xuất tên lửa đạn đạo và vệ tinh chính của Chính phủ Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đã tổ chức các buổi tuyển dụng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thông qua sự trợ giúp của các CSSA địa phương.
Ngoài các tổ chức quốc phòng truyền thống (học viện quân sự và công ty quốc phòng), các trường đại học dân sự của Trung Quốc đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu quốc phòng và cũng đã tuyển dụng số lượng lớn của các nhà khoa học ở nước ngoài. 

Các tin khác