Làm thế nào để thành phố thịnh vượng?

(ĐTTCO) - Vì sao thành phố (TP) này phát triển nhanh hơn TP kia? Vì sao có TP này tạo ra nhiều của cải, thịnh vượng trong lúc TP kia thiếu hụt hay nghèo đi?
5 nguyên tắc quyết định sự thịnh vượng của một TP.
5 nguyên tắc quyết định sự thịnh vượng của một TP.
Đó là những câu hỏi được tác giả - GS. Mario Polèse đưa ra trong quyển sách “The Wealth and Poverty of Regions: Why Cities Matter” (tạm dịch: Sự thịnh vượng và nghèo khổ của các vùng miền: vì sao TP lại quan trọng) do Nhà xuất bản Đại học Oxford xuất bản năm ngoái. 

Theo GS. Polèse, việc nghiên cứu các nền kinh tế đô thị không đơn giản bởi bản chất TP là nơi tập hợp con người, không đơn thuần là các đơn vị kinh tế và chính trị và việc phân định các khu vực đô thị được thực hiện theo nhiều cách. Ngoài ra, khả năng hoạch định chính sách kinh tế của các TP bị hạn chế ngoại trừ trường hợp ngoại lệ như Singapore. Các chính sách ảnh hưởng đáng kể nhất đến nền kinh tế đô thị thường đến từ các cấp chính quyền cao hơn, trong khi đi đó chính sách địa phương bị những hạn chế về địa lý và thể chế. 

Trả lời cho những câu hỏi nói trên, GS. Polèse đưa ra nguyên tắc đầu tiên của ông trong kinh tế học đô thị (urban economics), rằng quy mô và vị trí quyết định sự thịnh vượng của một TP. Điều này đã được minh chứng qua thời gian: ở hầu hết các nước châu Âu, TP lớn nhất cách đây một thế kỷ cho đến nay vẫn là TP lớn nhất. Thứ hạng dân số của các TP này cũng ổn định một cách đáng kinh ngạc. Lyon từ lâu là TP lớn thứ hai của Pháp và ngày nay có diện tích bằng 1/7 Paris, một tỷ lệ hầu như không thay đổi trong 200 năm qua. 

Theo GS. Polèse, lợi thế về quy mô và vị trí là kết quả của nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, của các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thể chế. Một khi đã được hoàn thành, những khoản đầu tư tích lũy này xác định một vị trí tốt và không thể dễ dàng thay đổi. Chỉ cần nhìn vào bản đồ hệ thống đường sắt và đường cao tốc của Anh hoặc Pháp: các mạng lưới đường sắt trung tâm tập trung vào các TP lớn nhất, củng cố lợi thế vị trí ban đầu của chúng. Từng TP mới được kết nối với London hoặc Paris sẽ tăng thêm tiềm năng thị trường của hai thủ đô này. 

Dựa trên nguyên tắc này, có thể thấy khả năng thay đổi vị thế kinh tế của TP bị hạn chế bởi vị trí và quy mô tương đối của nó. Không như ở tầm quốc gia, các TP khó có thể nhảy vọt từ nghèo nàn thành giàu có trong vòng một thế hệ - như Hàn Quốc đã làm. Quy mô và vị trí ban đầu quyết định phần lớn hoạt động kinh tế có khả năng thành công ở đó và loại nào có nguy cơ thất bại. Đơn cử, Philadelphia dù nằm cạnh New York có thể không bao giờ trở thành trung tâm tài chính hoặc giải trí toàn cầu, dù rất thành công trong các lĩnh vực khác như y tế.

Tuy nhiên, quy mô và vị trí không hoàn toàn mang tính định mệnh và TP có thể thay đổi số phận của mình nhờ thay đổi về công nghệ. Biên giới châu Âu thời kỳ sau Chiến tranh thế giới II là thí dụ về cách các điều kiện chính trị có thể định hình sự phát triển. Sau khi Bức màn sắt được vén lên vào năm 1947, các TP ở Tây Đức được tiếp cận với Cộng đồng kinh tế châu Âu đang phát triển, trong khi các TP ở Đông Đức thì không. 

Tại Hoa Kỳ, sự thay đổi quan trọng nhất gần đây trong vận mệnh đô thị là sự trỗi dậy của các TP ở vùng Vành đai mặt trời (Sunbelt). Miami vẫn sẽ là đầm lầy gây bệnh sốt rét và sốt vàng da nếu không có thuốc men và những cải thiện trong điều kiện vệ sinh y tế. Phoenix, Las Vegas và Houston nóng như rộp có lẽ sẽ không đạt được tầm vóc hiện tại nếu không có điều hòa nhiệt độ. 

Sự thay đổi về nhân khẩu học - cụ thể là tuổi thọ lớn hơn, tạo ra số lượng người nghỉ hưu ngày càng tăng để tìm kiếm nhiệt độ ấm hơn. Công nghệ cũng tạo điều kiện cho sự phát triển đó, với việc di chuyển bằng đường hàng không, cho phép những người nghỉ hưu di cư qua lại dễ dàng để giữ liên lạc với bạn bè và người thân ở quê nhà.

Nguyên tắc thứ hai cho thấy không có lợi thế vị trí nào là vĩnh cửu và công nghệ mới có thể làm suy yếu nền kinh tế của TP chỉ sau một đêm. Thứ nhất, càng chuyên môn hóa cao nền kinh tế đô thị đó càng dễ bị tổn thương, cho dù ngành công nghiệp ngôi sao của TP có công nghệ cao hay hiện đại đến đâu. Thứ hai, những thay đổi trong giao thông nói chung không mang tính trung lập về mặt địa lý, mang lại cho một số TP những lợi thế về vị trí mới và hạn chế sự thay đổi của những TP khác.

Những quan sát nói trên giúp giáo sư đưa ra nguyên tắc kế tiếp: các TP dễ tiếp cận, kết nối tốt thể hiện tốc độ tăng trưởng cao hơn. Các nghiên cứu về các TP ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nhiều lần chỉ ra mối quan hệ giữa khả năng tiếp cận và tăng trưởng, phổ biến nhất là xác định khả năng tiếp cận bằng cách đo lường số lượng điểm đến một người có thể dễ dàng tiếp cận từ TP nhất định, có tính đến chi phí và thời gian vận chuyển. Khả năng tiếp cận thị trường và kết nối có thể còn quan trọng hơn cả vốn con người. 

TP thành công trong việc định vị mình là nơi gặp gỡ và trung tâm thị trường cho khu vực rộng lớn hơn thường giành phần thắng. Trong lịch sử, các trung tâm giao thông và du lịch trong lịch sử đã nổi lên như những trung tâm tài chính và kinh doanh thống trị, thu hút nhân tài, tiền bạc và chất xám. Chicago trở thành trung tâm thị trường của miền Trung Tây, một phần nhờ vào các liên kết kênh đào của TP với hệ thống sông Mississippi, được thúc đẩy bởi cộng đồng doanh nghiệp địa phương. 

Đường bộ, đường sắt cao tốc và sân bay đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tri thức cùng với việc gặp gỡ thường xuyên qua hội nghị và hội thảo. Một số TP bắt đầu với lợi thế kết nối tự nhiên, chẳng hạn vị trí trung tâm hoặc gần các thị trường lớn. Monterrey, đô thị công nghiệp đang lên của Mexico, nằm gần biên giới Texas trên đường cao tốc chính nối Mexico City với các thị trường chính ở Hoa Kỳ. 

Tại Trung Quốc, tăng trưởng tập trung ở hai điểm tiếp xúc chính với thị trường thế giới là Thượng Hải và Quảng Châu/Hồng Kông. Ở châu Âu, các thành phố giàu có nhất của Ý nằm ở phía Bắc và cũng là lý do tại sao Barcelona và Bilbao, những thành phố Tây Ban Nha dễ tiếp cận với khu vực sườn đô thị châu Âu được gọi là “Quả chuối xanh” (Blue Banana), là những trung tâm công nghiệp phát triển. 

Tuy nhiên, các cơ hội kết nối giao thông mới cũng cảnh báo việc mất khả năng tiếp cận có thể gây hại nghiêm trọng cho sự phát triển. Một kinh nghiệm đau thương có thể nêu là Montreal. Năm 1974 TP này được doanh nghiệp và chính phủ ban tặng sân bay mới Mirabel. Vì thị trường của Montreal không đủ lớn để hỗ trợ hai sân bay đầy đủ dịch vụ, Mirabel sẽ nhận được các chuyến bay xuyên lục địa, trong khi sân bay cũ hơn là Dorval tiếp tục phục vụ Bắc Mỹ. 

Nhưng trên thực tế không người dân London nào bay đến Cleveland (Mỹ) lại muốn đổi máy bay ở Montreal, bởi họ lại phải đi đường bộ từ Mirabel đến Dorval. Vì vậy, lưu lượng hành khách qua Montreal giảm mạnh trong những năm 1970. Trong thời gian này diễn ra xu hướng các tổ chức tài chính và trụ sở chính được chuyển đến Toronto. Chẳng bao lâu Toronto nổi lên thành trung tâm tài chính và hàng không của Canada, còn Mirabel kể từ đó bị đóng cửa vì tất cả chuyến bay đều đến Dorval. 

Phát triển ngành nghề cũng là điều giúp TP, nhưng chuyên môn hóa không phải lúc nào cũng tốt. Ở Bắc Mỹ và châu Âu ngày nay, các TP có di sản của ngành công nghiệp nặng và nhà máy lắp ráp lớn cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Những TP đầu tiên công nghiệp hóa, cách đây không lâu là những mô hình phát triển kinh tế, hiện nay ở trong tình thế khó khăn nhất, đặc biệt khi chuyển sang nền kinh tế tri thức. 

Theo GS. Polèse, khi một ngành nghề duy nhất thống trị nền kinh tế địa phương, kết quả lâu dài có thể rất tàn khốc. Thí dụ như ở Mỹ, Detroit, Thung lũng Silicon của những năm đầu thế kỷ 20, là một trong những TP phát triển nhanh nhất cho đến những năm 1970, nhưng giờ đây dường như bị mắc kẹt trong sự suy giảm không thể đảo ngược. Tương tự, các TP công nghiệp lớn ở miền Trung nước Anh  và vùng Ruhr của Đức đều có mức tăng trưởng dưới mức trung bình trong vài thập niên qua.

Nhưng yếu tố quan trọng và căn bản nhất cho sự thịnh vượng của một TP là khả năng lãnh đạo và chính sách. Theo GS. Polèse, yếu tố con người nhiều khi không thể định lượng được bởi một cá nhân năng động, chẳng hạn như thị trưởng hoặc một doanh nhân có thể tạo ra sự khác biệt. Văn hóa chính trị và kinh doanh địa phương chắc chắn đóng góp một phần vào sự phát triển của TP, nhưng ít ai biết cách thức hình thành các nền văn hóa đó. 

Các thành phố được quản lý kém với tai tiếng về tham nhũng, bạo lực hoặc không có đầy đủ thể chế sẽ khó phát triển thịnh vượng. Những thí dụ điển hình là New Orleans (Mỹ) với tham nhũng, chính trị phe cánh và vùng miền. Louisiana không chịu đầu tư cho giáo dục và nơi đây hình thành những nhóm dân cư có trình độ học vấn thấp nhất ở Mỹ. Marseille (Pháp) tai tiếng về quản lý nhà nước kém và thường xuyên có tốc độ tăng trưởng dưới mức trung bình. 

Nói tóm lại, yếu tố thiên nhiên và địa lý không giúp cho TP thịnh vượng. Sự tiến bộ phi thường của Los Angeles sau Thế chiến thứ nhất nhờ vào tầm nhìn xa của cộng đồng doanh nghiệp, bất chấp thiên nhiên và địa lý - đã xây dựng một bến cảng nhân tạo cho TP, cùng với hệ thống ống dẫn nước rộng lớn. Houston thịnh vượng không chỉ nhờ trữ lượng dầu mỏ (lợi thế tự nhiên) và việc phát minh ra điều hòa không khí (thay đổi công nghệ), còn cả các chính sách khôn ngoan như xây dựng các kênh hàng hải, cũng như chính quyền đô thị vững mạnh.
Là một trong những người sáng lập chương trình tiến sĩ về nghiên cứu đô thị đầu tiên tại Canada, tác giả quyền sách - GS. Polèse - từng giữ các chức vụ quan trọng tại UNESCO, Ngân hàng Thế giới và OECD. Ông là giáo sư của Trường Quy hoạch Đô thị thuộc Đại học McGill (Canada) và được mời thỉnh giảng ở nhiều đại học nổi tiếng trên thế giới.

Các tin khác