Kinh tế thế giới tuần qua

Hoa Kỳ ngăn chặn việc sáp nhập 2 hãng hàng không American Airlines và US Airways, kinh tế eurozone thoát suy thoái… là những tin chính tuần qua.

Hoa Kỳ ngăn chặn việc sáp nhập 2 hãng hàng không American Airlines và US Airways, kinh tế eurozone thoát suy thoái… là những tin chính tuần qua.

Trong một động thái bất ngờ, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gửi đơn kiện phản đối việc sáp nhập American Airlines và US Airways vì tin rằng công ty sau hợp nhất có thể độc quyền tăng các loại phí hàng không. Hồi tháng 2, 2 hãng hàng không tuyên bố sẽ sáp nhập và được sự phê chuẩn gần đây của cơ quan chống độc quyền châu Âu.

Phản đối của chính phủ Hoa Kỳ khiến con đường thoát bảo hộ phá sản của American Airlines càng trở nên phức tạp hơn. Cũng tại Hoa Kỳ, một đơn kiện hình sự đầu tiên đối với vụ giao dịch phái sinh gây lỗ 6 tỷ USD của Ngân hàng JPMorgan Chase hồi năm ngoái. Các công tố viên ở New York lên án 2 nhà giao dịch ở London đã gian lận.

Trong tuần trước, dữ liệu cho biết GDP khu vực đồng EUR tăng 0,3% trong quý II so với quý trước, giúp eurozone thoát khỏi suy thoái sau 6 quý liền tăng trưởng âm. Kinh tế Đức tăng 0,7%, mức nhanh nhất 1 năm; kinh tế Pháp tăng 0,5%. Italia và Tây Ban Nha vẫn còn trong suy thoái, nhưng kinh tế Bồ Đào Nha đã tăng 1,1%.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế trong quý II tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với dự báo. Kết quả này làm dấy lên tranh cãi liệu có nên tăng thêm thuế để giảm bớt nợ quốc gia hay không. Một số nhà kinh tế cho rằng nếu tăng thuế vào năm tới (như kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe) sẽ khiến khả năng phục hồi của Nhật Bản kém hơn nữa.

Bạo lực leo thang tại Ai Cập đã khiến các nhà đầu tư e ngại, giá dầu tăng.

Bạo lực leo thang tại Ai Cập đã khiến các nhà đầu tư e ngại, giá dầu tăng.

Tại Anh, khảo sát của Royal Institution of Chartered Surveyors cho biết giá nhà ở tăng nhanh nhất kể từ tháng 11-2006. Chỉ số giá nhà ở tăng ở tất cả mọi vùng của England và Wales, chứ không chỉ ở London, trong bối cảnh những người mua nhà tiềm năng tăng.

Vào tháng 3, chính phủ đã triển khai chiến dịch “giúp mua” hỗ trợ các khoảng cho vay rẻ cho người mua nhà lần đầu. Những người chỉ trích cho rằng chiến dịch có thể tạo thêm một bong bóng nhà ở mới. Cũng tại Anh, biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Chính sách tiền tệ NHTƯ nước này cho thấy 1 trong các thành viên đã phản đối việc giữ lãi suất ở mức 0,5% cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 7%.

Tại châu Phi, tình hình bạo lực leo thang tại Ai Cập đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và giá dầu tăng. General Motors thông báo đã đóng cửa văn phòng tại Cairo và dừng hoạt động sản xuất của nhà máy ở 6th October City. GM thuê hơn 1.400 công nhân Ai Cập, sản xuất các loại xe tải nhẹ, xe khách, minibus. Theo thống kê, giá lương thực tại Ai Cập hiện tăng 20%, du lịch giảm 50% kể từ cuộc cách mạng cách nay 2 năm và đầu tư nước ngoài giảm tới 75%.

BlackBerry, nhà sản xuất điện thoại cách nay vài năm được nhiều người yêu thích, cho biết đã thành lập một ủy ban để tìm kiếm những “chiến lược thay thế”, bao gồm việc bán lại công ty. Dù cho ra đời dòng điện thoại BlackBerry 10 đình đám trong năm nay, công ty này vẫn chứng kiến giá cổ phiếu rớt không phanh từ 40 tỷ USD cách nay 3 năm xuống còn 6 tỷ USD hiện nay.

Ngược lại, cổ phiếu của nhà khổng lồ công nghệ Apple tăng sau khi tỷ phú Carl Icahn tiết lộ đã nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ trong “trái táo”. Trong khi đó, Samsung bị Bộ Lao động Brazil khởi kiện vì điều kiện làm việc tệ hại ở nhà máy Manaus, một trong những nhà máy lớn nhất của Samsung trên thế giới, có 6.000 công nhân và cung ứng sản phẩm cho toàn bộ khu vực Mỹ Latin.

Bộ Lao động Brazil cho biết công nhân tại Manaus phải làm việc tới 15 giờ mỗi ngày, đứng 10 giờ liên tục và có lúc phải làm suốt 27 ngày liên tiếp. Chính phủ Brazil đòi Samsung bồi thường 108 triệu USD. Samsung cũng đối mặt với 1.200 khiếu nại của công nhân nhà máy Manaus.

Các tin khác