Kinh tế thế giới tuần qua

Hoa Kỳ xét xử vụ đánh cắp thông tin tín dụng lớn nhất, Trung Quốc chỉ thị giảm công suất dư thừa trong công nghiệp, châu Âu đón mừng tân vương Bỉ và em bé hoàng gia Anh… là những tin đáng chú ý trong tuần qua.

Hoa Kỳ xét xử vụ đánh cắp thông tin tín dụng lớn nhất, Trung Quốc chỉ thị giảm công suất dư thừa trong công nghiệp, châu Âu đón mừng tân vương Bỉ và em bé hoàng gia Anh… là những tin đáng chú ý trong tuần qua.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố Công ty Dịch vụ dầu mỏ Halliburton phải nộp phạt 200.000USD và chịu 3 năm thử thách vì tội tiêu hủy chứng cứ sau vụ tràn dầu vùng vịnh Mexico năm 2010. Ngoài ra, Halliburton cũng tự nguyện đóng góp 55 triệu USD cho Quỹ đời sống hoang dã và cá quốc gia.

Cũng liên quan đến tòa án, chưởng lý New Jersey đã khởi tố vụ đánh cắp thông tin tín dụng lớn nhất Hoa Kỳ, trong đó 4 người Nga và 1 người Ukraine đã hack trót lọt 160 triệu tài khoản thẻ tín dụng và ghi nợ suốt từ năm 2005-2012, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD. Các công tố viên Hoa Kỳ tại Manhattan cũng cáo buộc một số thành viên trong băng này đã tấn công mạng máy tính của Citibank, PNC Bank và sàn GDCK Nasdaq.

Các lãnh đạo nghiệp đoàn Detroit kêu gọi Tổng thống Obama và Quốc hội ứng cứu tài chính tức thời cho Detroit sau khi thành phố này xin bảo hộ phá sản. Việc lựa chọn người kế nhiệm Ben Bernanke nắm vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đang biến thành cuộc tranh cãi về nam nữ bình quyền khi dấy lên những câu hỏi tại sao thiếu vắng phụ nữ ở những vị trí lãnh đạo chính sách kinh tế Hoa Kỳ.

Hiện tại nổi trội 2 ứng viên: ông cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers và bà đương kim Phó Chủ tịch FED Janet Yellen. Thăm dò Phố Wall vào tháng 7 cho thấy đa số tin rằng bà Yellen là sự lựa chọn thích hợp hơn.

Công ty Hallibruton phải trả giá vì tiêu hủy chứng cứ trong thảm họa tràn dầu vùng vịnh Mexico năm 2010.

Công ty Hallibruton phải trả giá vì tiêu hủy chứng cứ
trong thảm họa tràn dầu vùng vịnh Mexico năm 2010.

Ở châu Á, Bộ Công nghiệp Trung Quốc chỉ thị cho khoảng 1.300 công ty trong 19 ngành bao gồm xi măng, thép, giấy, đồng, thủy tinh… tới tháng 9 phải đóng cửa các cơ sở lỗi thời và tới cuối năm phải giảm công suất dư thừa. Trong khi tại Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng lên lần đầu tiên trong vòng 14 tháng qua, chủ yếu do giá điện tăng 9,8%, giá khí đốt tăng 6,4% và đồng yen yếu đi, được xem như dấu hiệu cho thấy tác dụng của chính sách kinh tế Abenomics chống giảm phát.

Ở châu Âu, chứng kiến sự kiện trọng đại của 2 hoàng gia có truyền thống lâu đời. Nước Bỉ hân hoan chào mừng vị vua mới Philippe, người được kỳ vọng có thể đoàn kết 2 miền ngôn ngữ cũng là 2 vùng kinh tế chính Flanders (dùng ngôn ngữ Hà Lan) và Wallonia (dùng ngôn ngữ Pháp) nhằm tăng cường sức mạnh chung của đất nước.

Nước Anh tưng bừng đón Hoàng tử nhỏ được đặt tên George Alexander Louis, là hàng thừa kế thứ 3 ngai vàng Anh quốc. Sự ra đời của nhà vua tương lai đã mang đến sinh khí mới cho nước Anh, ước tính hiệu ứng hoàng tử bé sẽ kích thích doanh số bán lẻ của các công ty Anh trong tháng 7 và 8 tăng vọt hơn 370 triệu USD.

Tuy nhiên, sự vui mừng ở châu Âu không được trọn vẹn vì Tây Ban Nha xảy ra tai nạn đường sắt thảm khốc chưa từng thấy kể từ năm 1944, làm ít nhất 78 người thiệt mạng. Thảm họa này cùng với tai nạn xe lửa trật đường ray ở ngoại ô Paris đã gây lo ngại về ngành đường sắt vốn có tiếng an toàn của châu Âu.

Trong làng công nghệ, Samsung bán được 76 triệu smartphone trong quý II-2013 nhưng vẫn hụt kỳ vọng vì thị trường smartphone đã gần bão hòa.

BlackBerry cắt giảm 250 nhân viên bộ phận thử nghiệm sản phẩm mới tại trụ sở Canada, động thái này cho thấy tình hình ngày càng khó khăn đối với “dâu đen”. Trong lúc đó, tài sản ông chủ facebook Zuckerberg tăng mạnh 3,8 tỷ USD nhờ lợi nhuận của facebook thu được từ bán quảng cáo di động.

Các tin khác