Kinh tế quần tụ

Quan tâm hàng đầu mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh thức ăn nhanh như McDonald's khi chân ướt chân ráo vào một thị trường mới như Việt Nam sẽ là địa điểm và giá cả.

Quan tâm hàng đầu mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh thức ăn nhanh như McDonald's khi chân ướt chân ráo vào một thị trường mới như Việt Nam sẽ là địa điểm và giá cả.

Địa điểm càng gần đối thủ cạnh tranh càng khốc liệt về giá, còn ở xa hơn McDonald's sẽ có nhiều quyền phán quyết hơn với giá bán. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như thế, bởi DN nói chung phải xem xét liệu địa điểm đó có thể thu hút được bao nhiêu khách hàng, hành vi và thói quen tiêu dùng của họ ra sao, cự ly và chi phí đi lại tối đa bao nhiêu.

Hãy thử hình dung tình huống 2 người bạn thân quyết định tìm một chỗ yên tĩnh để cùng ăn tối. Nhưng nơi họ chọn lại quá đông khách, hay thực đơn không phù hợp nên phải chuyển sang địa điểm khác.

Lý lẽ thông thường là họ sẽ đến nơi nào có nhiều nhà hàng để có nhiều chọn lựa và quãng đường đi ngắn nhất, nếu trong đầu chưa nghĩ đến một ẩm thực cụ thể nào. Như vậy, DN phải biết dung hòa giữa yếu tố cạnh tranh và hành vi khách hàng: nếu ở cách xa đối thủ không bị áp lực về giá, nhưng nếu xa quá số lượng khách hàng sẽ ít.

khu mua sắm trên đường Orchard.

khu mua sắm trên đường Orchard.

Xu hướng DN cạnh tranh nhưng vẫn luôn tìm cách ở gần nhau được các nhà kinh tế học gọi là “kinh tế quần tụ”, hay nói nôm na là “buôn có bạn, bán có phường”. Như vậy, dù cạnh tranh nhưng lợi ích quần tụ cao hơn chi phí, DN sẽ tìm mọi cách ở gần đối thủ.

Nhiều DN tạo thành một quần thể sẽ làm khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại và giảm chi phí chọn lựa khi có nhu cầu ẩm thực. Phí giảm sẽ làm cầu tăng và trong bối cảnh cung nhiều, DN sẽ cạnh tranh với giá hợp lý và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Bởi vậy, khi tiếp cận một thị trường mới, những DN như McDonald's dù là tên tuổi lớn cũng sẽ tìm mọi cách gia nhập những quần thể để tranh thủ lượng khách hàng có sẵn có nơi đây.

Điển hình cho kinh tế quần tụ ở Việt Nam là hình ảnh của 36 phố phường Hà Nội. Nhìn từ góc độ kinh tế học, sự tập trung các hoạt động mua bán và xã hội sẽ làm tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo ra sự tương tác, trao đổi nhiều hơn giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Chủ một cửa hàng tại 36 phố phường phải luôn lo lắng vì cạnh tranh và giảm giá để thu hút khách hàng, nhưng chi phí của họ cũng giảm vì số lượng người mua sẽ nhiều hơn.

Du khách nước ngoài có dịp đến Singapore muốn mua sắm hàng điện máy thì vào Sim Lim Square hay Funan Centre, mua quần áo thương hiệu cao cấp vào các khu mua sắm lớn trên đường Orchard, mua hàng bình dân thì đến Phố Tàu hay khu Tiểu Ấn… Mặc dù chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng hợp lý nhưng di chuyển cũng  mất khá nhiều thời gian, nên trên thực tế du khách thường kết hợp mua hàng tập trung một chỗ và chưa hẳn vào khu mua sắm bình dân để mua hàng rẻ hơn. Lý do đơn giản là các khu mua sắm lớn thường có khuyến mại, các cửa hàng cạnh tranh đa dạng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và giá cả.

Không chỉ có lĩnh vực bán lẻ, thí dụ về kinh tế quần tụ có thể được thấy từ khu công nghiệp, nông trường, đô thị phần mềm như Thung lũng Silicon cho đến phim trường Hollywood, hay khu giải trí Universal Studios. Đây là những nơi DN có thể tận dụng để khai thác hiệu quả nguồn nhân công, chia sẻ kiến thức, tăng cường lợi nhuận và cơ sở khách hàng. Như vậy, nếu biết nắm bắt và vận dụng khái niệm kinh tế quần tụ vào bối cảnh kinh doanh cụ thể, DN sẽ có cái nhìn lạc quan tích cực và chào đón sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh nào đó, cho dù đó là Stackbucks, McDonald's hay bất cứ con cá mập nào trên thương trường.

Singapore, ngày 13-8-2013

Các tin khác