Kinh tế Myanmar đang xuống vực sâu?

(ĐTTCO) - Sau hơn 2 tháng tê liệt vì những bất ổn chính trị, nền kinh tế Myanmar vốn đã yếu kém còn thêm kiệt quệ khi thuế không thể thu, ngân hàng không thể hoạt động, giao thương tê liệt… Liệu xứ sở ngọc bích có thể chống đỡ được bao lâu?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nghèo lại gặp eo
Những con đường vắng bóng xe cộ, những nhà hàng vắng tanh sau những cánh cổng kim loại, và những cửa hàng tiện lợi, trung tâm buôn bán của rất nhiều khu phố, vẫn im lặng và tăm tối. Đó là quang cảnh hiện đang phổ biến trên khắp đất nước Myanmar. Đã vậy, những cuộc đình công lớn đang diễn ra bao gồm công nhân đường sắt, nhân viên ngân hàng, bác sĩ, công nhân nhà máy và thậm chí cả các nhà ngoại giao. Điều này càng làm tê liệt nền kinh tế Myanmar, bởi thuế vẫn chưa được thu, nhiều ngân hàng không thể gửi hay nhận tiền… Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết đất nước 54 triệu dân này đang tiến gần đến “nhà nước thất bại” hoặc “nội chiến”.
Liệu Myanmar có sụp đổ hay không phụ thuộc vào sức mạnh của phong trào bất tuân dân sự, vốn đã bị lên án bởi chính quyền quân sự. Xung đột hiện nay là một ván bài đầy rủi ro ở một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất châu Á, cùng với đại dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua. 
GDP của Myanmar chỉ 71,2 tỷ USD (ước lượng 2019) và tăng trưởng trung bình 2,9%/năm, thấp nhất trong Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng. Trước đây EU, Mỹ và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar, nhưng những lệnh cấm vận này đã được dỡ bỏ từ năm 2011 sau khi Myanmar chuyển từ chính phủ quân sự sang chế độ dân sự. Đầu tư nước ngoài tăng từ 300 triệu USD trong năm 2009 lên 20 tỷ USD trong năm 2010-2011, tương đương 667%. Tuy nhiên, những bất ổn gần đây một lần nữa khiến Myanmar rơi vào cơn xoáy cấm vận từ các nước phương Tây. Phong trào bất tuân dân sự không chỉ khiến quân đội lao đao, mà còn buộc cả những người dân thường phải vật lộn để tồn tại. 
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) hồi tháng 3 đã cảnh báo giá lương thực tăng do cuộc khủng hoảng gây ra, có thể làm gia tăng nạn đói trong số hàng triệu người đang phải chạy cơm từng bữa ở Myanmar. Các lao động nhập cư đang ồ ạt chạy trốn khỏi các khu nhà máy ở Yangon, thành phố lớn nhất đất nước, vì không còn việc làm và đang bị đe dọa bởi lực lượng an ninh. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết hôm 19-3, rằng nền kinh tế Myanmar có khả năng giảm 10% trong năm nay, một sự đảo ngược so với dự báo vào tháng 10-2020 rằng GDP sẽ tăng trưởng 5,9%. 
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Myanmar đã giảm xuống 27,7 hồi tháng 2, so với mức 47,8 trước đó một tháng - theo thống kê của IHS Markit. Hoạt động sản xuất tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được khảo sát hồi năm 2016. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm tới 86%, khi chỉ có 188 công ty được cấp phép vào tháng 2, so với 1.373 doanh nghiệp vào tháng 1 và 1.298 so cùng kỳ 2020.

Doanh nghiệp phải "chọn phe"
Các công ty và tổ chức nước ngoài đánh cược vào sự hồi sinh của Myanmar trong thập kỷ qua hiện đang bị giằng xé, về việc có nên công nhận chính quyền bằng cách nộp thuế hay không. Các tập đoàn kinh doanh có liên quan đến chính quyền của Tướng Min Aung Hlaing đang gánh chịu làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng và nhân viên, buộc các doanh nghiệp nước ngoài và địa phương phải “chọn phe” trong cuộc khủng hoảng chính trị của Myanmar.
Kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào tháng 2 trong một cuộc đảo chính, các phong trào tẩy chay đã gia tăng chống lại các thương hiệu như bia Myanmar Brewery, do một công ty được quân đội hậu thuẫn hợp tác với Kirin của Nhật Bản. Một số siêu thị, khách sạn và cửa hàng từ chối bán sản phẩm của hãng. “Chúng tôi không bán bất kỳ loại bia nào do quân đội hoặc bất kỳ đối tác liên doanh nào của họ sản xuất” - Thaw Zin, người điều hành một nhà hàng cho biết.
Ngay cả trước khi diễn ra cuộc tẩy chay, các công ty đã phải vật lộn với tình trạng kinh tế bị gián đoạn do phong trào biểu tình gây ra, khiến hàng chục ngàn công chức và công nhân khu vực tư nhân phải nghỉ việc, làm tê liệt hệ thống ngân hàng. Khi cuộc xung đột kéo theo những ranh giới rõ ràng hơn trong xã hội, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn về vị trí của mình.
Romain Caillaud, một nhà tư vấn về rủi ro và PR tại Tokyo, cho biết: “Bất kỳ công ty nào hoạt động ở Myanmar cũng phải tự hỏi liệu có nên ở lại không, và họ phải đối mặt với những rủi ro nào, bao gồm cả rủi ro nhân quyền. Và họ sẽ phải xem xét các đối tác địa phương của họ ngồi ở đâu trong bối cảnh chính trị hiện nay, liệu họ có hoàn toàn phù hợp với chính quyền quân sự hay với những người biểu tình, hay đang kẹt ở giữa”.
Một số nhà đầu tư địa phương và nước ngoài lớn nhất của Myanmar đã ký một tuyên bố công khai vạch ra ranh giới mong manh, giữa việc ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa và kêu gọi hạ nhiệt cuộc xung đột đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Các bên ký kết bao gồm hãng tàu Maersk, Coca-Cola, ENI, Total và các tập đoàn viễn thông Ooredoo và Telenor, cho biết họ đã theo dõi diễn biến kể từ cuộc đảo chính "với mối quan tâm ngày càng tăng và sâu sắc", và hy vọng "giải quyết nhanh chóng tình hình hiện tại dựa trên đối thoại, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar”.
Kirin, một trong những mục tiêu chính của các nhà vận động toàn cầu vì liên doanh bia với Tập đoàn kinh tế Myanmar do quân đội hậu thuẫn, cho biết họ sẽ rút khỏi quan hệ đối tác trong tuần diễn ra cuộc đảo chính. Các hoạt động của các công ty đa quốc gia khác đã được giám sát chặt chẽ hơn ngay cả khi họ không có quan hệ đối tác trực tiếp với chính quyền.
Global Guardian, một công ty dịch vụ an ninh có trụ sở tại McLean, Virginia (Mỹ), hiện có một số khách hàng doanh nghiệp nước ngoài lớn ở Myanmar, đã tổ chức sơ tán khách hàng, đầu tiên bằng các chuyến bay thương mại và bây giờ là các chuyến bay thuê. Sự suy thoái của nền kinh tế và bạo lực gia tăng trong hai tuần qua đã khiến Dale Buckner, CEO của Global Guardian, cảnh báo khách hàng của mình rằng cuộc khủng hoảng sẽ không sớm được giải quyết. “Sự hoảng loạn đã thực sự bắt đầu” - ông nói.

Các tin khác