Kinh tế Mỹ và Trung Quốc khó tái hòa hợp

(ĐTTCO) - Theo nghiên cứu mới đây tại Mỹ về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, viễn cảnh tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không thể tránh khỏi.

“Việc tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục dù ở dạng này hay dạng khác. Điều này diễn ra ngay cả khi hợp tác kinh tế hai nước vẫn phát triển theo một cách có mục tiêu và có tính toán hơn. Lòng tin chính trị ở cả Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp và việc quay trở lại chính sách cam kết hợp tác là điều khó có thể tưởng tượng”, SCMP dẫn nội dung từ báo cáo được công bố hôm 17/2 của Trung tâm Trung Quốc thuộc Phòng Thương mại Mỹ và công ty nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở tại New York.

Báo cáo cho biết sự cạnh tranh giữa hai bên có thể gia tăng và Washington cần tìm ra mức độ can dự kinh tế tốt nhất với Bắc Kinh. “Việc xác định hậu quả thực sự và cái giá phải trả của việc phân tách là cấp thiết. Các bước đi ban đầu đang được Mỹ thực hiện. Viễn cảnh Mỹ - Trung tách rời nhau chưa bao giờ thực tế hơn thế”, báo cáo cho hay.

Kinh tế Mỹ và Trung Quốc khó 'cùng thuyền' - 1

Sự tách rời kinh tế Mỹ - Trung là điều khó tránh khỏi. (Ảnh: Bloomberg)

“Sự tách biệt ở một mức độ nào đó” giữa hai nước đã xảy ra và nhiều công ty Mỹ đang chuẩn bị cho sự thay đổi này. Trong khi đó, các công ty nước ngoài cũng đang hỏi liệu họ có được lợi từ việc chia tách kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Liệu chính phủ của nước họ có làm theo hay không?

Bên cạnh đó, nội dung báo cáo cho biết, hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc gắn bó với trên nhiều mặt. Do đó, cái giá phải trả cho việc phân tách là rất lớn.

Các nhà nghiên cứu ước tính, mức thuế 25% đối với tất cả thương mại giữa hai nước sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 190 tỷ USD mỗi năm. Mỹ cũng sẽ gánh chịu tổn thất lên tới 500 tỷ USD nếu các công ty Mỹ giảm một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Ngoài ra, lệnh cấm hoàn toàn đối với khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Mỹ sẽ khiến Mỹ thất thu lên đến 30 tỷ USD.

“Mỹ cần có cách tiếp cận hợp lý với chính sách thông thoáng hơn đối với hàng hóa và dịch vụ không liên quan đến an ninh quốc gia. Cũng cần có điều chính về chính sách để đối phó với những thay đổi của Trung Quốc trong tương lai. Mỹ cũng tránh leo thang vô cớ, tốn kém”, báo cao nêu.

Nội dung báo cáo cũng đề cập đến việc Trung Quốc tăng cường sự kiểm soát của nhà nước, ngăn chặn doanh nghiệp tư nhân và theo đuổi sự tự chủ về công nghệ cao. Điều này khiến cho Bắc Kinh tách mình khỏi các chuẩn mực kinh tế thị trường tự do.

Daniel Rosen, đồng tác giả, chịu trách nhiệm chính của báo cáo và là người phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc công ty nghiên cứu Rhodium, cho biết quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc luôn phụ thuộc vào các mục tiêu kinh tế tự do được chia sẻ. Tuy nhiên, một khi Bắc Kinh thực thi chính sách tham vọng của nước lớn thì "lập trường ít dễ dãi hơn là cần thiết" đối với Washington.

“Nhưng lợi ích của chúng tôi nằm ở việc tách ra có mục đích, không phải là sự tách rời vô cớ. Nghiên cứu này là một bước để thay đổi quy mô tham gia một cách hợp lý trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia Daniel Rosen cho hay.

Đánh giá được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét các về cách tiếp cận trong chính sách đối với Trung Quốc. Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao của ông đã coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược, "đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất" và "thách thức chính". Điều này cho thấy, chính quyền Biden sẽ giữ vững lập trường cứng rắn của thời cựu Tổng thống Donald Trump trong cách tiếp cận với Trung Quốc.

Các tin khác