Khi thế giới “tự cấm vận“

(ĐTTCO) - Bị cấm vận là điều không quốc gia nào mong muốn. Thế nhưng, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, hàng loạt quốc gia đã chọn cách “bế quan tỏa cảng” để bảo vệ tính mạng người dân của mình. Liệu việc "tự cấm vận" như vậy có làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa?

Chưa chuẩn bị cho đại dịch
Toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu người ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác thoát khỏi đói nghèo, đồng thời giúp người dân ở các nước phát triển có thể mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, nó khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước mọi sự gián đoạn, từ các cuộc tấn công khủng bố đến thảm họa tự nhiên và dịch bệnh.
Vào năm ngoái, một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã viết về một "thế giới có nguy cơ" khi họ phân tích các hậu quả kinh tế của các cơn dịch bệnh trong quá khứ. Các chuyên gia ước tính, các đại dịch như cúm Tây Ban Nha (đã giết chết khoảng 50 triệu người trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1920), sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu hiện nay khoảng 3 ngàn tỷ USD. Ngay cả một dịch bệnh tương đối nhẹ cũng có thể gây ra thiệt hại hơn 2% GDP. "Thế giới chưa chuẩn bị cho một đại dịch nguy hiểm" - báo cáo nêu rõ.
Khi thế giới “tự cấm vận“ ảnh 1 Khách du lịch Nhật Bản chụp ảnh tự sướng bên trong Colosseum, Rome, ngày 5-8-2019. Năm ngoái địa điểm này đón 14 tỷ du khách.
Hiện nay đại dịch Covid-19 đang làm các nhà khoa học, chính trị gia và doanh nhân lo lắng. Virus cũng đã bắt đầu thay đổi cuộc sống hàng ngày của mọi người, cách họ kinh doanh và đi lại. Nỗi sợ hãi về loại virus chưa có thuốc chữa đã xuất hiện trên khắp thế giới: Các sự kiện thể thao đã bị hoãn lại, các hãng hàng không đã hủy phần lớn các đường bay, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới và tự phong tỏa các địa phương trong nước.
Dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc, nhưng vì nước này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, việc đóng cửa biên giới với người Trung Quốc là quyết định rất khó khăn.
Nước này xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 2.300 tỷ USD hàng năm và đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và hầu hết các nước láng giềng châu Á. Trung Quốc từ lâu đã là "nhà máy của thế giới". Trước đại dịch SARS, chỉ có vài trăm ngàn người Trung Quốc đến Nhật Bản mỗi năm, nay đã tăng lên hơn 8 triệu. Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn đối với các nước du lịch phát triển như Thái Lan hay Philippines, cũng như đối với ngành hàng không, vốn đã tăng số lượng tuyến đến Trung Quốc trong những năm gần đây.
Cái giá của toàn cầu hóa?
Nhà kinh tế James Crabtree tin rằng khủng hoảng coronavirus sẽ khiến toàn cầu hóa đảo ngược. Ông cho biết đã có những dấu hiệu chắc chắn về một cuộc suy thoái toàn cầu, và cùng với đó là sự sụp đổ trong thương mại. Những quốc gia châu Á đã ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả nhất hiện nay có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự sụp đổ của thương mại.
Khi thế giới “tự cấm vận“ ảnh 2 Một tàu container của Trung Quốc tại cảng Hamburg, Đức, ngày 3-3-2020.
Đại dịch sẽ đẩy nhanh sự đối đầu Mỹ-Trung và đẩy nhanh sự sụp đổ của mô hình toàn cầu hóa phụ thuộc vào thương mại mà các nền kinh tế châu Á dựa vào để phát triển. Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào cuối tháng 2 đã đổ lỗi cho các chuỗi cung ứng thuê ngoài.
Tư tưởng này có thể làm gia tăng tình trạng bảo hộ thương mại. Và đại dịch sẽ thúc đẩy nhanh khuynh hướng này. Hiện nay, đã có hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế. Nhưng nhiều hạn chế sẽ đến khi suy thoái kinh tế xảy ra, giống như đã xảy ra sau năm 2008, khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hàng hóa thực phẩm khiến giá cả tăng vọt trên toàn cầu.
Mô hình toàn cầu hóa được tạo ra trước năm 2008 bằng những nỗ lực của các công ty như Apple và Boeing, khi họ săn lùng lao động và sản phẩm giá rẻ. Họ đã tạo ra những hệ thống hiệu quả và vận hành chính xác theo thời gian, nhưng nó cũng dễ vỡ và không ổn định. Đây là điều đã xảy ra với thảm họa động đấtsóng thần-hạt nhân năm 2011 của Nhật Bản, làm hỏng chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp như điện tử.
Sau đó, các nhà sản xuất bị ảnh hưởng đã thay đổi một số thói quen tìm nguồn cung ứng, đa dạng hóa nhà cung cấp hoặc thêm các cơ sở dự phòng để tránh tái diễn. Đại dịch Covid-19 rõ ràng có độ "phủ sóng" nghiêm trọng hơn so với Fukushima. Ảnh hưởng của nó đến tư duy các nhà lãnh đạo công ty cũng sẽ sâu sắc hơn.
Một số công ty đa quốc gia sẽ hồi hương như Navarro kêu gọi, chuyển một phần sản xuất của họ trở lại quê nhà ở châu Âu, Nhật Bản hoặc Mỹ, hay có lẽ đến các thị trường gần nước mình, như Mexico hoặc Ba Lan. Nhiều khả năng hơn là một sự thay đổi để đa dạng hóa trong khu vực, hoặc đầu tư nhiều hơn vào thiết bị vốn và robot để giảm nhu cầu lao động châu Á rẻ tiền.
Và buộc chấp nhận thiệt hại khi làm hỏng các mạng lưới sản xuất đa quốc gia mà các nhà kinh tế thương mại muốn gọi là "chuỗi giá trị toàn cầu", chiếm khoảng 3/4 tổng số thương mại toàn cầu. Dự báo sau khi phục hồi sau đại dịch này, nhiều công ty khác sẽ làm như vậy. Điều đó không có nghĩa toàn cầu hóa sẽ sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ đẩy nhanh những thay đổi đang diễn ra, thúc đẩy thương mại kỹ thuật số hoặc có khả năng hạn chế các mô hình đi lại khi người lao động học cách tổ chức và sản xuất từ xa. Một số thay đổi này sẽ tạo ra chuỗi cung ứng quốc tế ít phức tạp hơn, mặc dù kém hiệu quả hơn, nhưng bền vững hơn với môi trường và có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc.
Con sóng sẽ đi qua
Đại dịch Covid-19 rõ ràng đang làm các nước đóng cửa biên giới và phá vỡ chuỗi cung ứng. Trong những tháng tới, chúng ta có thể sẽ thấy một trong những cơn co thắt kinh tế mạnh nhất từng được ghi nhận, và suy thoái chắc chắn sẽ củng cố lập luận trong những năm gần đây rằng toàn cầu hóa sắp kết thúc, hoặc ít nhất là bị chậm lại.
Nicolas Tenzer, Chủ tịch Công ty nghiên cứu Cerap ở Paris, tin các rào cản gia tăng để đối phó với virus sẽ củng cố cho lực lượng dân túy và chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã kêu gọi thắt chặt biên giới. "Việc coronavirus làm suy giảm sức khỏe nền kinh tế toàn cầu và gián đoạn của chuỗi cung ứng là một chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của những người ủng hộ toàn cầu hóa" - Ian Bremmer, người sáng lập Tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia, nói.
Ông dự báo một kỷ nguyên khắc nghiệt phía trước, bao gồm căng thẳng rõ rệt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở giữa vòng xoáy hiện tại, thật khó cưỡng lại những dự báo như vậy. Nhưng nhà phân tích John W. Tomac viết trên Nhật báo Phố Wall rằng, có lý do để tin tương lai hậu Covid-19 sẽ không chấm dứt xu hướng toàn cầu hóa của những thập niên gần đây, mà chỉ mở ra một "chương mới".
Việc thương mại và du lịch bị ngưng trệ vì dịch bệnh sẽ không thể hồi phục sau 1 đêm, và vài năm tới có thể chúng ta sẽ chứng kiến việc quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp ở một số quốc gia. Nhưng ngay cả trước khi có virus, đã có những dấu hiệu của việc tạm dừng và sự thụt lùi khiêm tốn trong toàn cầu hóa. Năm ngoái, thương mại toàn cầu đã giảm một ít, chưa đến 1%, nhưng ở mức 19.000 tỷ USD.
Đối với Trung Quốc và Mỹ, tác động kép của thuế quan và chủ nghĩa dân tộc quyết đoán đã kìm hãm sự hội nhập. Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy, tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa hai nước đã giảm từ 630 tỷ USD năm 2017 xuống còn 560 tỷ USD vào năm 2019. Mặc dù vậy, việc giảm sút này chỉ đưa Mỹ và Trung Quốc trở lại mức thương mại năm 2013. Và số tiền đó gần gấp 5 lần so với năm 2001.
Nói tóm lại, ngay cả sau hai năm chiến tranh thương mại và căng thẳng ngoại giao, trục chính của toàn cầu hóa đã bị móp méo, nhưng chỉ ở mức "hầu như không có". Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ được sửa lại gần đây là một ví dụ về cam kết tiếp tục toàn cầu hóa của Mỹ.
Thỏa thuận được thiết kế để tạo điều kiện cho thương mại nhiều hơn và quy mô thương mại lục địa đang thực sự gia tăng. Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vượt xa cả Canada và Trung Quốc. Dữ liệu do Tổ chức Đầu tư Quốc tế biên soạn cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ, mặc dù giảm vào năm 2019 sau khi đạt mức cao nhất vào năm 2015 và 2016 là 500 tỷ USD, vẫn cao hơn mức của mọi năm trước. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Mỹ ra nước ngoài đã giảm xuống dưới 6.000 tỷ USD vào cuối năm 2018, nhưng đây vẫn là mức cao nếu so với con số 1.000 tỷ USD vào năm 2001.
Hậu Covid-19, chắc chắn các chính phủ châu Âu và EU sẽ gia tăng chi tiêu để đẩy mạnh hồi phục. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ EUR. Đầu tư hậu virus cũng có khả năng sẽ tăng ở khắp châu Mỹ Latinh, châu Phi và đặc biệt Đông Á, nơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã hợp lý hóa quan hệ kinh tế.
Những kết nối như vậy sẽ mở rộng sau cuộc khủng hoảng hiện tại. Sự lây lan đáng báo động của coronavirus trong những tuần gần đây thực sự đã gây ra phản ứng co rút ở nhiều quốc gia, nhưng cũng cho thấy việc "tiêm phòng" đáng tin cậy duy nhất chống lại đại dịch trong tương lai sẽ là hợp tác xuyên quốc gia.
Qua khủng hoảng này, sự phối hợp như vậy sẽ có sẵn trong cộng đồng y tế và khoa học, khi họ đua nhau tìm hiểu virus và tạo ra các phương pháp chữa trị và điều trị. Nhiều quan hệ đối tác quốc tế sẽ ngăn chặn việc rút lui vào pháo đài quốc gia. Thật dễ dàng để tưởng tượng sự sụp đổ của một thế giới quá phụ thuộc lẫn nhau.
Nhưng một cơn co thắt mạnh do đại dịch gây ra không làm đảo ngược vĩnh viễn sự hội nhập toàn cầu sâu sắc và phức tạp của chuỗi cung ứng, thị trường và cuộc sống hàng ngày được xây dựng trong 2 thập niên qua. Những mối quan hệ này bền vững, có lợi và sẽ khó cắt đứt. Coronavirus dường như không phải là thời điểm chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của một xu hướng lịch sử rộng lớn đã tồn tại qua Đại suy thoái, Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh và vô số các cuộc khủng hoảng khác, từ 9/11 đến biến động tài chính năm 2007-2008. 

Các tin khác