Kế hoạch “xanh” của Ấn Độ

(ĐTTCO)-Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của lãnh tụ Mahatma Gandhi, Ấn Độ phát động một chiến dịch bảo vệ môi trường, vận động người dân từ bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới mục tiêu trong vòng 3 năm trở thành quốc gia không có “nhựa dùng một lần”. 
Công nhân làm việc tại nhà máy tái chế rác thải nhựa ở Agartala, thủ phủ bang Tripura, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Công nhân làm việc tại nhà máy tái chế rác thải nhựa ở Agartala, thủ phủ bang Tripura, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Đây cũng là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Narendra Modi nhằm loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Theo đó, túi, cốc, đĩa, ống hút, chai nhỏ và một số gói bằng nhựa đã bị cấm trên khắp Ấn Độ từ ngày 2-10. Lệnh cấm bao gồm cấm sản xuất, sử dụng và nhập khẩu các mặt hàng như vậy. Sau thời gian thực hiện 6 tháng đầu, các hình phạt có thể được đưa ra để củng cố lệnh cấm. Loại bỏ các mặt hàng nêu trên theo cách này được dự báo sẽ cắt giảm mức tiêu thụ nhựa của Ấn Độ - hiện là 14 triệu tấn/năm (5%-10%). 

Theo báo India Today, hệ thống chuỗi cửa hàng bán sữa Mother Dairy nổi tiếng của Ấn Độ đã dựng hình nộm vua quỷ Ravana nhân lễ hội “đốt quỷ” theo truyền thống vào tháng 11. Hình nộm này cao khoảng 8m, bằng nhựa thải thu gom được từ các hộ gia đình ở New Delhi và các thành phố lân cận Gurgaon, Noida, Faridabad and Ghaziabad. Tuy nhiên, lần này hình nộm vua quỷ không bị đốt mà được tháo dỡ và gửi đi tái chế. Mother Dairy cho biết họ đạt được mục tiêu thu thập nhựa từ khoảng 4.000 hộ gia đình trong khu vực trước thời gian.

Trong chuỗi sự kiện này, cảnh sát New Delhi có thêm nhiệm vụ là thấy ai mang túi nhựa đi chợ sẽ thay thế bằng túi đay miễn phí. Cũng trong nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xử lý nhựa đúng cách, tại thành phố Noida, một bánh xe pháp luân (charkha) làm từ 1.650kg chất thải nhựa cũng đã được khánh thành vào đêm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài Mahatma Gandhi. Chính quyền thành phố thực hiện chiến dịch này từ ngày 11-9 đến ngày 27-10 để đảm bảo thu gom rác thải nhựa tự nguyện từ các công dân và tổ chức. Theo chính quyền, người dân cũng đang được học để biết về việc tách nhựa có thể tái chế ra khỏi chất thải khác.

Hy vọng rằng chiến lược đầy tham vọng này sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề của Ấn Độ với tình trạng ô nhiễm mà theo Climate Action, Ấn Độ có nhiều thành phố bẩn nhất thế giới, như Delhi, Mumbai… và quốc gia này hiện không có hệ thống quản lý chất thải nhựa có tổ chức. Thống kê cho thấy mỗi ngày Ấn Độ thải ra môi trường trung bình khoảng 15 triệu kg rác thải nhựa, trong đó khoảng 60% được thu gom và tái chế.

Theo Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ, lượng rác thải tính trung bình đầu người mỗi năm tại quốc gia 1,3 tỷ dân này là khoảng 11kg, so với con số trung bình 28kg của thế giới. Có một thực tế là chất thải nhựa chiếm một phần đáng kể trong tổng chất thải rắn đô thị được tạo ra ở Ấn Độ. Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Trung ương năm 2017-2018, khoảng 8 triệu tấn sản phẩm nhựa được tiêu thụ mỗi năm, và gần 25.940 tấn chất thải nhựa được tạo ra mỗi ngày ở Ấn Độ. Thủ tướng Modi cũng kêu gọi các công ty khởi nghiệp nghĩ ra ý tưởng tái chế nhựa trong nước.

Các tin khác