Indonesia: Thâm hụt ngân sách 14,9 tỷ USD?

Bộ trưởng Chatib Basri cho biết con số thâm hụt ngân sách nói trên được tính toán trên cơ sở nguồn thu ngân sách Nhà nước là khoảng 1.700.000 tỷ rupiah và chi ngân sách Nhà nước trên 1.800.000 tỷ rupiah.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Jakarta mới đây, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri nói rằng thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tới có thể lên tới 154.000 tỷ rupiah (khoảng 14,9 tỷ USD), tương đương 1,49% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Bộ trưởng Chatib Basri cho biết con số thâm hụt ngân sách nói trên được tính toán trên cơ sở nguồn thu ngân sách Nhà nước là khoảng 1.700.000 tỷ rupiah và chi ngân sách Nhà nước trên 1.800.000 tỷ rupiah.

Chính phủ Indonesia đã xác định các giả định kinh tế vĩ mô cho kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 2014 theo quyết định của cuộc họp bàn về vấn đề này giữa Chính phủ và Ủy ban Ngân sách Quốc hội hồi tháng trước.

Theo đó, các giả định kinh tế vi mô chủ yếu bao gồm tăng trưởng kinh tế là 6,4-6,9%, tỷ lệ lạm phát 3,5-5,5%, tỷ giá hối đoái với đồng USD là 9.600-9.800 rupiah/USD, lãi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng 4,5-5,5%, giá dầu thô Indonesia (ICP) 100-115 USD/thùng, sản lượng dầu thô 860.000 đến 900.000 thùng/ngày, sản lượng khí đốt tương đương 1,24-1,25 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, hay sản lượng dầu khí 2,1-2,15 triệu thùng/ngày.

Trong năm 2013, Indonesia có thể thâm hụt thương mại kỷ lục 5 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức tương ứng 1,65 tỷ USD năm 2012, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn như hiện nay.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan cho biết kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này - đang tăng chậm lại sẽ tiếp tục tác động lớn đến cán cân thương mại của quốc đảo này, do nhu cầu đối với các mặt hàng Indonesia giảm sâu.

Tính từ đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Indonesia sang thị trường đông dân nhất thế giới này giảm 3,67%, tương đương 8,56 tỷ USD.

Các tin khác