IMF hạ dự báo tăng trưởng Đức năm 2013

Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 3-6 đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2013, nhưng vẫn khẳng định rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 3-6 đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2013, nhưng vẫn khẳng định rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Những số liệu thống kê "đáng thất vọng" trong quý đầu tiên của năm 2013 là nguyên nhân khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của Đức.

Trong bối cảnh Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đang khủng hoảng nghiêm trọng, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Đức trong năm nay sẽ giảm, theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm từ mức 0,6% ở dự đoán trước đó, xuống còn 0,3%.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Đức trong năm 2014 từ mức 1,5%, xuống còn 1,3%.

Mặc dù sức tiêu thụ đã phục hồi trở lại, những nền tảng kinh tế trong nước tiếp tục được duy trì mạnh mẽ và những cải cách cấu trúc sâu rộng của Đức đã góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn giảm mạnh kể từ thời điểm cuối năm 2011.

Ngoài ra, việc khu vực Eurozone đang đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư kinh doanh của Đức. Tuy nhiên, IMF vẫn đánh giá kinh tế của Đức sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Đức là quốc gia không chỉ tránh được cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn là nền kinh tế đầu tàu, hỗ trợ đắc lực cho các quốc gia ngập chìm trong nợ nần khác trong khu vực, bất chấp tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong năm ngoái và kinh tế đã suy giảm trong quý cuối năm 2012.

Cũng trong ngày 3/6, IMF và Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo ngành ngân hàng của Tây Ban Nha có thể gặp rủi ro khi mức vay nợ tăng cao và cuộc suy thoái kinh tế đang "gặm nhấm" nền kinh tế của đất nước này.

Cho đến nay, Tây Ban Nha đã sử dụng 41,3 tỷ euro (54 tỷ USD) từ khoản cho vay cứu trợ trị giá 100 tỷ euro để vực dậy các ngân hàng đang "ngụp lặn" trong các khoản nợ xấu kể từ khi bùng nổ bong bóng bất động sản kéo dài cả thập kỷ tính từ năm 2008.

Tây Ban Nha được hưởng chi phí đi vay thấp hơn trên các thị trường trái phiếu và tính thanh khoản của các ngân hàng Tây Ban Nha đã được cải thiện nhờ bảng quyết toán của các ngân hàng đã được điều chính.

Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp Tây Ban Nha nợ nần chồng chất và thị trường bất động sản "trượt dốc" tiếp tục tác động tới hoạt động cho vay, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng Tây Ban Nha.

Các tin khác