Hy Lạp vượt rào cản cuối để được giải ngân

Tại phiên họp bất thường ngày 25-7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật về các thủ tục thuế theo yêu cầu của "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để được giải ngân khoản cứu trợ trị giá 4 tỷ euro.

Tại phiên họp bất thường ngày 25-7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật về các thủ tục thuế theo yêu cầu của "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để được giải ngân khoản cứu trợ trị giá 4 tỷ euro.

Luật mới được thông qua này cũng bao gồm cả sửa đổi do Bộ Giáo dục Hy Lạp đề xuất về kế hoạch chuyển hàng trăm giáo viên sang cái gọi là lực lượng lao động dự bị. Đây là sửa đổi cuối cùng trong số 22 điểm mà các chủ nợ quốc tế kiên quyết yêu cầu Athens thực hiện.

Trước đó, ngày 18-7, Hy Lạp đã thông qua luật liên quan đến nhiều vấn đề như phương pháp tính thuế, các biện pháp hành chính về bảo vệ thành viên Quỹ ổn định tài chính Hy Lạp, chuyển hàng nghìn lao động làm việc trong khu vực công sang diện lao động dự bị.

Luật này cũng quy định hủy kế hoạch chuyển gần 200 giáo viên có bằng thạc sỹ hoặc trình độ học vấn cao đang công tác tại các trường chuyên nghiệp, sang lực lượng lao động dự bị. Tuy nhiên, "bộ ba" chủ nợ quốc tế đã kiên quyết yêu cầu Athens đưa cả những đối tượng này vào diện lao động dự bị.

Theo kế hoạch của Chính phủ Hy Lạp, trong thời gian tới, 12.500 lao động trong khu vực nhà nước sẽ bị chuyển sang diện lao động dự bị, song vẫn được hưởng 75% lương. Nếu tám tháng sau những đối tượng này không thể kiếm được việc làm khác trong khu vực nhà nước thì sẽ bị sa thải.

Hy Lạp buộc phải thực hiện một loạt cải cách sâu rộng trong bốn năm qua để đổi lấy các gói cứu trợ trị giá khoảng 240 tỷ euro trong quỹ cứu trợ chống khủng hoảng do EU và IMF lập ra.

Những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm lương hưu, tiền lương và việc làm ... đã tác động mạnh tới Hy Lạp, khơi mào cho các cuộc tổng đình công và biểu tình phản đối lớn trên toàn quốc.

Với sáu năm liên tục chìm trong suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỉ lục 27%, Hy Lạp được cho là sẽ không thể đạt tăng trưởng trước năm 2014.

Các tin khác