“Hồi xuân” nhờ công nghệ

(ĐTTCO) - Ông Từ Chương bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc các thông tin về thời tiết, xã hội và lướt các trang web thương mại điện tử để săn hàng giảm giá, ông cũng trò chuyện với bạn bè qua ứng dụng WeChat, tìm đường khi di chuyển trên những con phố ở Bắc Kinh bằng ứng dụng Gaode Maps. 

Dùng smartphone selfie trong hội chợ xuân ở Bắc Kinh

Dùng smartphone selfie trong hội chợ xuân ở Bắc Kinh

Khi trời quá lạnh, ông Từ ở nhà và tận hưởng bữa ăn được giao qua một ứng dụng giao đồ ăn. Thoạt nghe, người ta cứ nghĩ chắc ông thuộc những người đam mê công nghệ tầm trung niên, nhưng sự thực ông là một cán bộ 80 tuổi đã về hưu. 

Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy, số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã lên gần 200 triệu người. Sự thay đổi trong lĩnh vực kỹ thuật số ở nước này đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng, dẫn đến những lo ngại rằng số lượng người cao tuổi ít có khả năng thích ứng với công nghệ mới, có thể bị tụt hậu. Hơn nữa, trong hơn 4 triệu ứng dụng ở Trung Quốc, lại có rất ít ứng dụng dành riêng cho người già.

Tuy nhiên, thay vì chịu cảnh bị tụt hậu, những người lớn tuổi như ông Từ đang gần như bắt kịp sự thay đổi của công nghệ. Đây là một xu hướng giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng. Tại Ninh Ba, chính quyền địa phương cho biết họ đã giúp ít nhất 100.000 người cao tuổi sử dụng thành thạo smartphone vào năm 2019.

Người già ở Trung Quốc cũng thường giúp đỡ lẫn nhau. Ví dụ như bà Đường, cán bộ về hưu ở Trường Xuân, đã biến những gì bà chưa biết thành một cơ hội để học hỏi. Mỗi khi gặp trở ngại về công nghệ, bà sẽ chụp lại màn hình, tải ảnh lên mạng và cùng tìm hiểu với những người lớn tuổi về hưu khác. Bà chia sẻ: “Chúng tôi phải tiếp tục học hỏi để không bị lạc hậu”.

Các tin khác