Hàn Quốc mở ngân hàng trực tuyến

KBS News đưa tin, Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký mở ngân hàng trực tuyến. 3 tập đoàn lớn Kakao Corp., KT Corp. và Interpark Corp. đã đăng ký lần lượt với các tên Kakao Bank, K-Bank và I-Bank. Ngân hàng ảo đầu tiên của Hàn Quốc sẽ được cấp phép hoạt động kinh doanh vào năm 2016.

KBS News đưa tin, Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký mở ngân hàng trực tuyến. 3 tập đoàn lớn Kakao Corp., KT Corp. và Interpark Corp. đã đăng ký lần lượt với các tên Kakao Bank, K-Bank và I-Bank. Ngân hàng ảo đầu tiên của Hàn Quốc sẽ được cấp phép hoạt động kinh doanh vào năm 2016.

Việc các ngân hàng trực tuyến ra mắt dự báo sẽ có những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực ngân hàng. Theo chuyên gia kinh tế Jeong Cheol-jin, ngân hàng trực tuyến là ngân hàng thực hiện các hoạt động giao dịch qua internet mà không có các chi nhánh văn phòng, thực hiện 3 chức năng: nhận tiền gửi, cho vay và giao dịch ngoại tệ.

FSC và Cơ quan Giám sát tài chính (FSS) dự kiến sẽ cấp phép các ngân hàng trực tuyến thực hiện 3 chức năng, mặc dù quy mô không được lớn như các ngân hàng thương mại thông thường khác. Hiện nay, nếu muốn mở một tài khoản hay vay tiền, khách hàng phải trực tiếp đến các chi nhánh ngân hàng.

Nhưng nếu như ngân hàng trực tuyến đi vào hoạt động, mọi khách hàng đều có thể giao dịch qua smartphone. Ngân hàng trực tuyến sẽ tiết kiệm chi phí do hoạt động không cần địa điểm đặt văn phòng, nên có thể cho vay với lãi suất thấp hơn và thu phí ít hơn.

Ngân hàng trực tuyến là kết quả của FinTech (sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ thông tin (technology). FinTech không chỉ dừng lại ở các giao dịch thông thường mà giúp tư vấn đầu tư, quản lý tài sản cá nhân, cho vay tiền và kiểm tra mức độ tín dụng của cá nhân.

Thí dụ, công nghệ thông tin được sử dụng để phân tích các thói quen, xu hướng trực tuyến hay mức độ sử dụng thẻ của từng cá nhân để tư vấn cho khách hàng mua gói dịch vụ nào sẽ có lợi hoặc quyết định xem có nên cho họ vay tiền hay không. Mục tiêu cuối cùng của FinTech là cung cấp các dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng cá nhân dựa trên dữ liệu phân tích lớn.

Hàn Quốc mở ngân hàng trực tuyến ảnh 1

Kakao Corp., 1 trong 3 tập đoàn Hàn Quốc đăng ký thành lập ngân hàng trực tuyến.

Ngành tài chính hiện nay đã đi qua thời kỳ phát triển tiềm năng và đang ở giai đoạn bão hòa. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cho rằng sẽ có lợi khi kết hợp công nghệ thông tin với các tổ chức tài chính và tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, sự lạc quan của chính phủ Hàn Quốc có mang lại giá trị gia tăng thực sự hay không? Theo một số chuyên gia, câu trả lời hiện giờ là không, ngoại trừ lĩnh vực thanh toán qua điện thoại với ước tính sẽ vượt quá 600 tỷ USD tính đến năm 2017.

Cách đây không lâu, một số công ty chứng khoán đã giới thiệu hệ thống cho phép các nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu tại nhà. Mọi người thích sử dụng hệ thống trực tuyến vì sự tiện lợi nó mang lại cũng như chi phí giao dịch thấp.

Nhưng những cải tiến trong hệ thống giao dịch tại gia và công nghệ tài chính đã không mang lại giá trị gia tăng cho công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán bị mất khả năng cạnh tranh do không thu được phí giao dịch.

Do đó, nếu không có các kế hoạch chắc chắn và chi tiết, ngân hàng trực tuyến và ngân hàng truyền thống sẽ chịu chung số phận như công ty chứng khoán và hệ thống giao dịch tại gia. Phải có một mô hình sản sinh lợi nhuận lớn bên cạnh ứng dụng thanh toán trên điện thoại để giúp biến ước mơ trở thành hiện thực.

Trên thế giới hiện đã có khá nhiều ngân hàng ảo hoạt động hiệu quả như Hello Bank ở Pháp, WeBank của Trung Quốc trực thuộc công ty Tencent Holdings Limited, Rakuten của Nhật Bản…

Trước đó, Hàn Quốc đã có ý định thành lập ngân hàng ảo vào năm 2001 với tên gọi V-Bank. Song nỗ lực này bị thất bại do những rào cản của Luật Ngân hàng.

(Theo KBS News)

Các tin khác