Giới hạn lương thưởng lãnh đạo?

Chênh lệch thu nhập giữa giới lãnh đạo và nhân viên trong một doanh nghiệp luôn là đề tài được bàn cãi xôn xao. Nhiều người tin rằng nên giới hạn mức lương, thưởng của lãnh đạo, để không tạo ra mất cân bằng quá lớn giữa những người cùng làm việc trong một doanh nghiệp. Chính phủ Thụy Sĩ cân nhắc nghiêm túc chuyện này, đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng trước để lấy ý kiến cử tri.

Chênh lệch thu nhập giữa giới lãnh đạo và nhân viên trong một doanh nghiệp luôn là đề tài được bàn cãi xôn xao. Nhiều người tin rằng nên giới hạn mức lương, thưởng của lãnh đạo, để không tạo ra mất cân bằng quá lớn giữa những người cùng làm việc trong một doanh nghiệp. Chính phủ Thụy Sĩ cân nhắc nghiêm túc chuyện này, đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng trước để lấy ý kiến cử tri.

Trước cuộc bỏ phiếu, nhiều khảo sát dư luận của những công ty tên tuổi trong nước, trong đó có Công ty Tư vấn gfs.bern, cho thấy đa số công chúng muốn đặt giới hạn lương, thưởng đối với các lãnh đạo. Đề xuất được biết đến dưới tên thông dụng là Sáng kiến 1-12, vì nó giới hạn mức lương, thưởng của các nhà điều hành doanh nghiệp không được gấp 12 lần lương, thưởng của một công nhân viên cấp thấp nhất.

Thụy Sĩ là nơi có ít nhất 5 trong số 20 CEO có mức lương thưởng cao nhất châu Âu. Quan điểm phản đối việc trả lương thưởng quá cao cho lãnh đạo doanh nghiệp đã tăng cao trong công chúng sau khi UBS AG (UBSN - ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ) dù đã phải nhờ đến sự ứng cứu của chính phủ trong cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng vẫn chi tới 78 triệu USD lương thưởng cho Chủ tịch Daniel Vasella. Hồi tháng 3, cử tri Thụy Sĩ từng bỏ phiếu thông qua đề xuất doanh nghiệp phải tổ chức lấy phiếu của cổ đông về mức lương thưởng của lãnh đạo.

Đảng Xã hội Thanh niên ở Thụy Sĩ đang chờ kết quả bỏ phiếu Sáng kiến 1-12

Đảng Xã hội Thanh niên ở Thụy Sĩ đang chờ kết quả bỏ phiếu Sáng kiến 1-12

Tuy nhiên, trái với các cuộc khảo sát và dự báo của nhiều chuyên gia, trong một cuộc bỏ phiếu có tới 53% cử tri tham gia (tỷ lệ cao nhất 3 năm), 65% người tham gia đã bỏ phiếu chống lại đề xuất. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bern, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann cho rằng đề xuất kiềm chế mức lương thưởng là “phi lý” và hoan nghênh quyết định của cử tri.

Trong khi đó, David Roth, Chủ tịch đảng Xã hội Thanh niên - một trong những tác giả đề xuất, nói: “Chúng tôi đã thua, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho sự công bằng”. Thụy Sĩ hiện là đất nước cạnh tranh thứ nhì sau Hoa Kỳ, theo một bảng xếp hạng hàng năm của Trung tâm Cạnh tranh Thế giới IMD.

Thụy Sĩ cũng có tổng lương trung bình hàng tháng cao nhất tại châu Âu với 7.766USD, theo dữ liệu mới nhất của Liên hiệp quốc. Thụy Sĩ chiếm thứ hạng cao trong xếp hạng bình quân cân bằng thu nhập của 34 nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Khoảng cách thu nhập giữa 10% dân số giàu nhất và 10% người nghèo nhất ở Thụy Sĩ thấp hơn các nước như Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và Canada, theo dữ liệu của OECD.

Việc bỏ phiếu về các sáng kiến rất phổ biến trong chính trị Thụy Sĩ. Một sáng kiến chỉ cần tập hợp được 100.000 chữ ý ủng hộ là có thể được tổ chức bỏ phiếu toàn quốc. Hầu hết cử tri bỏ phiếu bằng thư. Các sáng kiến có thể bao gồm nhiều vấn đề, từ kinh tế, đến y tế, việc gia nhập EU…

Không chỉ Thụy Sĩ, mà cả châu Âu đều có nhiều người bất bình trước việc các ngân hàng, công ty từng được ứng cứu chi lương thưởng lãnh đạo quá cao, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại châu lục đang ở mức kỷ lục. Tại Tây Ban Nha, đảng Xã hội cũng đang soạn thảo một sáng kiến 1-12 tương tự.

Tại Đức, gần 3/4 công chúng tỏ ý ủng hộ việc áp đặt mức trần đối với lương thưởng của giới lãnh đạo, theo một khảo sát của GfK. Liên minh chính trị của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý áp đặt những mức giới hạn đối với lương thưởng lãnh đạo.

Các tin khác