G20 cam kết minh bạch tỷ giá

Các lãnh đạo tài chính thế giới đồng ý sẽ cân nhắc và trao đổi với nhau cẩn thận khi có những thay đổi về chính sách tiền tệ để tránh làm trỗi dậy dòng chảy thoát vốn, theo thông cáo kết thúc hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước.

Các lãnh đạo tài chính thế giới đồng ý sẽ cân nhắc và trao đổi với nhau cẩn thận khi có những thay đổi về chính sách tiền tệ để tránh làm trỗi dậy dòng chảy thoát vốn, theo thông cáo kết thúc hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước.

Tuy nhiên, thông cáo không bao gồm việc kêu gọi Hoa Kỳ hoãn hành động nâng lãi suất đồng USD. Nhiều nền kinh tế mới nổi lo ngại một khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất, giới đầu tư sẽ rút vốn của họ từ các thị trường khác để mua các loại tài sản liên quan USD, sẽ làm nội tệ các nước đang phát triển lao dốc và gây ra tình trạng hỗn loạn khi dòng vốn tháo chạy.

Các lãnh đạo thị trường mới nổi muốn các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 gây áp lực bằng cách tuyên bố việc Hoa Kỳ nâng lãi suất có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng toàn cầu trong hiện tại. Nhưng thông cáo đã cố tránh điều đó.

“Chúng tôi lưu ý rằng cùng với triển vọng kinh tế cải thiện, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể diễn ra ở một số nền kinh tế phát triển. Chúng tôi sẽ cân nhắc và trao đổi cẩn thận để giảm thiểu hiệu ứng lan truyền, giảm tâm lý bất an và khuyến khích minh bạch” - thông cáo viết. Trước đó, một dự thảo của thông cáo nói chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển “có thể là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn trên thị trường tài chính”. Tuy nhiên, những câu chữ đó đã bị xóa đi, theo một nguồn tin từ phái đoàn Nga.

Thông cáo hoan nghênh việc gia tăng hoạt động mạnh mẽ ở một số nền kinh tế, nhưng nói rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn dự báo, dù bày tỏ niềm tin rằng quá trình hồi phục vẫn đang ngày một tốt hơn. Thông cáo cũng gián tiếp chỉ trích động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc hồi tháng 8.

“Các thành viên G20 cam kết linh hoạt tỷ giá; hạn chế việc phá giá để cạnh tranh; đồng thời chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch” - thông cáo viết. Cũng nhấn mạnh ý này, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew đã nói với người đồng nhiệm Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) rằng Bắc Kinh cần để đồng NDT tự do lên xuống và tránh việc hạ giá NDT để đạt lợi thế cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.

Quang cảnh cuộc họp G20 ở Ankara.

Quang cảnh cuộc họp G20 ở Ankara.

Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và tình trạng bất an ở các thị trường như giá tiền tệ của các nước mới nổi và giá hàng hóa lao dốc đang làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, theo cảnh báo của IMF. Nhưng G20 dường như vẫn không tìm được biện pháp mới hiệu quả để ngăn chặn hiệu ứng lây lan từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như kêu gọi trực tiếp với Bắc Kinh về những vấn đề cấu trúc như việc gia tăng nợ xấu.

Một ý tưởng đặc biệt được đưa ra tại hội nghị ở Ankara là đề xuất triển khai cái gọi là Tổng Năng lực hấp thụ mất mát (TLAC) cho các ngân hàng lớn. Đây là một lớp đệm về nợ cho các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và Deutsche Bank AG, có thể dùng xóa bớt nợ cho các ngân hàng để bảo đảm an toàn vốn. Theo đề xuất, một vùng đệm tương đương 16% vốn rủi ro của các ngân hàng sẽ được thiết lập vào năm 2019, tăng lên 20% vào năm 2022. Hoa Kỳ vận động cho mức 20%, trong khi một số nước châu Âu muốn triển khai mức 16% với lý do các ngân hàng của họ vẫn còn phải tái cấp vốn sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Bên lề hội nghị, G20 và các nước OECD đã đưa ra những cơ chế chung để quản lý các công ty niêm yết, hòng bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và khuyến khích sự phát triển của thị trường chứng khoán. Theo đó, kêu gọi sự hợp tác xuyên biên giới của các cơ quan chức năng, bao gồm thông qua những thỏa thuận song phương và đa phương về trao đổi thông tin. Cơ chế mới cũng kêu gọi bãi bỏ việc hạn chế bỏ phiếu xuyên biên giới của các cổ đông, trong khi cổ súy việc tư vấn lẫn nhau giữa các cổ đông. 

Các tin khác