Fitch hạ bậc xếp hạng CH Síp xuống B-

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 3-6 đã hạ bậc xếp hạng tín dụng dài hạn bằng ngoại tệ của Cộng hòa Síp thêm một bậc, từ B xuống B- với triển vọng tiêu cực.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 3-6 đã hạ bậc xếp hạng tín dụng dài hạn bằng ngoại tệ của Cộng hòa Síp thêm một bậc, từ B xuống B- với triển vọng tiêu cực.

Hãng này còn cho biết mức xếp hạng này của Síp có thể tiếp tục bị đánh tụt.

Fitch cho biết quyết định trên được đưa ra dựa trên những yếu tố rủi ro cao trong quá trình phục hồi kinh tế của Síp trong điều kiện có sự hỗ trợ từ phía Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như việc tái cơ cấu khu vực ngân hàng.

Những thất bại trong cải cách cơ cấu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, suy thoái kéo dài và "chảy máu" vốn khiến nợ công của Síp hiện đã lên tới 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các chuyên gia Fitch còn dự báo con số này sẽ lên tới 126% vào năm 2015.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và IMF đã nhất trí cung cấp cho Cộng hòa Síp 10 tỷ euro trong chương trình cải cách kinh tế nước này với quy mô tài chính lên tới 23 tỷ euro.

Theo Fitch, riêng đối với khu vực ngân hàng, ngoài 1,8 tỷ euro rót cho ngân hàng Cyprus Popular Bank, sẽ còn cần thêm 4 tỷ để tái cơ cấu các định chế tài chính khác. Chính nhu cầu gia tăng lượng vốn cứu trợ các ngân hàng của Síp được xem là một trong những lý do khiến Fitch đưa ra quyết định nói trên.

Trước đó, ngày 21-3 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) cũng đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của Síp từ CCC+ xuống mức thảm hại CCC với triển vọng tiêu cực.

Trong một diễn biến liên quan, Alfa-Bank - ngân hàng lớn thứ 3 ở Hy Lạp, là ngân hàng tư nhân đầu tiên tránh được quốc hữu hóa nhờ huy động nhà đầu tư tư nhân tham gia tái cơ cấu ngân hàng.

Alfa-Bank cần phải có 4 tỷ 570 triệu euro để duy trì khả năng thanh khoản, trong đó ngân hàng này đã huy động được 457 triệu USD chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài. Phần còn lại sẽ do Quỹ bình ổn tài chính Hy Lạp cung cấp.

Với số tiền này, Alfa-Bank hội đủ 10% vốn tư nhân, là điều kiện cần thiết để được nhận hỗ trợ tài chính bổ sung.

Trong khi đó, cùng ngày 3-6, thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến phiên sụt giá mạnh nhất trái phiếu chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12-2008.

Kết quả là lợi tức của các trái phiếu kỳ hạn hai năm bằng đồng nội tệ (lira) của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 6,48% - mức cao nhất trong 4 năm rưỡi qua. Đồng thời đồng lira cũng mất giá mạnh, với tỷ giá so với USD ngày 3-6 chỉ ở mức tối thiểu trong 17 tháng gần đây.

Một số tờ báo phương Tây gắn việc sụt giá này với tâm trạng bất bình của người dân phản đối đường lối hiện nay của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tin khác