Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt mạnh, "bốc hơi" hơn 46 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng

(ĐTTCO) - Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng do bất ổn thị trường đẩy đồng đô la Mỹ tăng.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt mạnh, "bốc hơi" hơn 46 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 gây ra sự sụt giảm giá tài sản toàn cầu và tăng tỷ giá đồng đô la Mỹ.

Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố hôm 7/4 cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này - nguồn dự trữ lớn nhất thế giới - đã giảm 46,085 tỷ USD trong tháng 3 xuống chỉ còn xấp xỉ 3,061 nghìn tỷ USD. Điều đó tồi tệ hơn nhiều so với mức giảm dự kiến là 6,718 tỷ USD xuống còn 3,1 nghìn tỷ USD, theo một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế của Reuters.

Sau khi công bố dữ liệu, Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết sự sụt giảm là do thay đổi giá trị của các tài sản tài chính do Trung Quốc nắm giữ, chẳng hạn như trái phiếu nước ngoài và sự biến động của tỷ giá hối đoái. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn dẫn đến khấu hao danh nghĩa cao hơn của tài sản bằng các loại tiền tệ khác trong danh mục dự trữ của Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán thế giới đã lao dốc mạnh vào tháng trước và các nhà đầu tư đã tranh giành sự an toàn bằng việc đầu tư vào đô la Mỹ. Các thị trường trên toàn cầu hiện đang sụt giảm 20% so với mức đỉnh của năm nay, trong khi tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã giảm 1,7% so với đồng đô la Mỹ, so với mức giảm 6% của đồng đô la Singapore và mức sụt giảm 15% của đồng rupiah của Indonesia.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, dòng tiền từ chứng khoán Trung Quốc đã đạt 12,3 tỷ USD vào tháng 3. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy dòng chảy đang bắt đầu giảm sút khi Trung Quốc đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh và các doanh nghiệp và nhà máy mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa.

Geoffrey Wong, người đứng đầu các thị trường mới nổi và châu Á-Thái Bình Dương tại UBS Asset Management, cho biết thị trường Trung Quốc vốn bị chi phối bởi các nhà đầu tư bán lẻ trong nước đã tương đối ổn định và nhận định rằng người dân Trung Quốc trong nước đã yên tâm hơn trước sự quyết đoán của chính phủ.

Các nhà chức trách đã tăng cường hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để khởi động lại nền kinh tế khi các hạn chế đang được gỡ bỏ. Hôm 3/4 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó, giải phóng khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (56,38 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng.

Nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc tại Morgan Stanley, ông Xing Ziqiang, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục bình thường hóa với việc cải thiện hành vi của người tiêu dùng. Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã chứng kiến việc tăng giờ làm và giảm tỷ lệ làm việc tại nhà, trong khi nhiều người cũng đã bắt đầu đến các cửa hàng và nhà hàng.

Peter Kinsella, người đứng đầu chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Union Bancaire Privee, nói rằng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đã dịu bớt trong những tháng gần đây mặc cho việc Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á đã đóng cửa nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lý tỷ giá hối đoái một cách cẩn thận, có nghĩa là những bất lợi sẽ được kiểm soát trong những tháng tới, Kinsella nói.

Sau khi tiêu tốn 1.000 tỷ USD dự trữ để bảo vệ đồng nhân dân tệ trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2015 vừa qua, các nhà quản lý của Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát vốn để ổn định giá trị đồng nội tệ và giữ dự trữ quanh mức 3,1 nghìn tỷ USD - mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho là mức an toàn tối thiểu.  .

Ken Cheung Kin-tai, chiến lược gia trưởng về mảng ngoại hối thị trường châu Á tại Ngân hàng Mizuho, nhận định có rất ít khả năng về việc một lượng vốn lớn dịch chuyển khỏi Trung Quốc và do đó, dự trữ của Trung Quốc sẽ ổn định, mặc dù mức này đã đạt đến ngưỡng 3 nghìn tỷ USD.

"Hiện tại mọi người cần đô la Mỹ là vì những căng thẳng của thị trường dẫn đến việc đổ xô nắm giữ các tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trạng thái thị trường sẽ dần dần cải thiện, sẽ giúp đồng nhân dân tệ và dự trữ của Trung Quốc ở mức tương đối ổn định", ông Cheung nói.

Các dữ liệu công bố hôm qua 7/4 cũng cho thấy Trung Quốc hiện nắm giữ 62,64 triệu lượng vàng vào cuối tháng 3, ngang bằng với lượng vàng dự trữ vào cuối tháng 2.

Các tin khác