Du lịch thế giới chao đảo

(ĐTTCO) - Các khách sạn, cửa hàng sang trọng, các danh thắng trên toàn thế giới - những nơi từng đón các làn sóng khách du lịch Trung Quốc - đang đối mặt với sự đìu hiu khi dịch cúm corona (nCoV) khởi phát. 

Thị trường 163 triệu khách sụt giảm
Từ Tokyo tới London và nhiều quốc gia trên thế giới, các khách sạn, sòng bạc, hãng hàng không và chuỗi bán lẻ đều ghi nhận đợt suy giảm doanh thu do du khách Trung Quốc đang hạn chế xuất ngoại, và chính phủ các nước thắt chặt kiểm soát đường biên giới. Trong tuần đầu tháng 2, tất cả khách du lịch Trung Quốc đã đặt vé tới Australia qua một số công ty du lịch Australia đều hủy chuyến. 
Công ty Du lịch Koala Blue cho biết đã mất 15 tour tháng 2. Doanh thu đến từ khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 10-20% của công ty này. Trung Quốc là thị trường ngoại quốc lớn nhất của Koala Blue. Ở Gold Coast - điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất của Australia - du khách Trung Quốc là nhóm khách đông nhất và chi tiêu nhiều nhất, 1,6 tỷ USD trong năm 2019. Trong năm 2019, Australia đón tổng cộng 9,45 triệu khách du lịch, trong đó có 1,4 triệu khách Trung Quốc - nhóm khách du lịch đã chi tiêu khoảng 8,2 tỷ USD.
Du lịch thế giới chao đảo ảnh 1 Kiểm tra y tế hành khách đến từ  Trung Quốc tại sân bay ở New Delhi (Ấn Độ).
Koala Blue không phải là công ty du lịch duy nhất giảm mạnh doanh thu, sau khi chính phủ Trung Quốc cấm người dân đi du lịch nước ngoài theo nhóm và đi tour du lịch trọn gói. Lệnh cấm trên đã, và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới rất nhiều điểm du lịch trên toàn cầu. Trung Quốc là thị trường nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất, từ 4,5 triệu khách năm 2000 lên khoảng 163 triệu người vào năm 2018 (nhiều hơn cả dân số nước Nga). Người Trung Quốc đi nước ngoài và đã trả cho hơn 30% doanh thu bán lẻ cho khách du lịch trên toàn cầu. Vào năm 2003, trước khi dịch SARS bùng nổ, chỉ có 20 triệu người Trung Quốc xuất ngoại.
Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới về tổng số chi tiêu cho du lịch quốc tế. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách Trung Quốc có tỷ lệ chi tiêu chiếm tới 16%, tương đương 277 tỷ USD, trong tổng số chi tiêu du lịch quốc tế. Trong những năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tại Trung Quốc tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%. Nhưng dịch cúm do virus corona gây ra đã khiến mọi dự báo trước đó trở nên sai lệch vì con số sẽ giảm mạnh.

Du lịch toàn cầu thiệt hại nặng nề
Do lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc, lượng khách Trung Quốc tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ sụt giảm nghiêm trọng nhất. Đây là khu vực phụ thuộc rất nhiều vào khách Trung Quốc. Một phần châu Âu và châu Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương tự. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, chính phủ Mỹ, Anh và Canada khuyến cáo người dân không nên đi du lịch Trung Quốc. 
Các hãng hàng không như United Airlines, American Airlines, Delta Airlines, British Airways, KLM, Air Canada và Lufthansa… đều tạm ngừng phục vụ khách đi Trung Quốc và khách đến từ Trung Quốc. Những hãng khác như Cathay Pacific cũng giảm chuyến bay. Vào ngày 31-1, Mỹ chính thức tuyên bố cấm người từ Trung Quốc nhập cảnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố, người đã tới Trung Quốc trong vòng 3 tuần qua sẽ không được nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore. Ma Cao, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên và Nga đã đóng cửa biên giới một phần hoặc hoàn toàn với Trung Quốc để ngăn dịch lây lan.
Do các lệnh cấm này, những điểm du lịch đông khách như Angkor Wat ở Campuchia, chùa Phật Vàng ở Băng Cốc (Thái Lan), hay Cung điện Tokyo (Nhật Bản) sẽ vắng khách rất nhiều. Theo báo cáo của ForwardKeys - một công ty phân tích du lịch chuyên cung cấp các công cụ tính toán và dự đoán xu hướng ngành - trong đợt đầu của lễ Tết Nguyên đán từ 26 đến 29-1, số lượt đặt tour du lịch nước ngoài tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng sau khi lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc có hiệu lực, số lượng đã giảm 6,8%. Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực thường đón 75% khách du xuân Trung Quốc - chịu thiệt hại nặng nề nhất. Lượng đặt tour vốn đã giảm 1,3% chỉ sau lệnh cấm 1 tuần, nay tăng lên 15,1%. Châu Âu chịu tác động nhẹ hơn, trong khi tình hình Bắc Mỹ vốn đã không có tín hiệu tích cực. Sau lệnh cấm, lượt đặt tour tới Bắc Mỹ giảm 22,5%.
Ảnh hưởng và mức chi tiêu ngày càng tăng của người Trung Quốc từ sau đại dịch SARS đã khiến cho nhiều thành phố quốc tế, thương hiệu sang trọng và chuỗi bán lẻ trở nên phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc hơn bao giờ hết. Người Trung Quốc càng đi du lịch nhiều, mua nhiều sản phẩm và trở thành những khách hàng tiềm năng, quan trọng nhất đối với sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch. Hậu quả của dịch nCoV sẽ nghiêm trọng hơn những gì dịch SARS đã gây ra bởi người Trung Quốc đã đi du lịch nhiều hơn năm 2003, và nay họ đã không xuất cảnh nhiều nữa.
Có thể nói, không khu vực du lịch nào là không bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV. Những nước có tỷ lệ khách Trung Quốc cao như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm du lịch của Trung Quốc. Khách Trung Quốc chiếm 51% GDP ngành du lịch năm 2018 của châu Á - Thái Bình Dương. Ở Thái Lan, quốc gia đón 30% khách du lịch là khách Trung Quốc, lượng khách du lịch đã giảm nghiêm trọng do virus corona. Nhiều chuyên gia nhận định, bóng đen đang bao phủ ngành du lịch toàn cầu khi người Trung Quốc ở nhà, phòng chống dịch cúm do virus corona gây ra. Chưa biết bao giờ thị trường du lịch các nước trên thế giới lại tiếp tục đón hàng triệu lượt khách Trung Quốc vui vẻ check in, chụp ảnh như trước đó. 

Các tin khác