Dời đô hay phát triển thành phố vệ tinh

(ĐTTCO) - Các thành phố lớn ở Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều vấn đề ngày càng nghiêm trọng, như tăng dân số cơ học quá mức, kẹt xe thường xuyên, ngập lụt ngày càng tăng và thành phố đang chìm dần do biến đổi khí hậu… Để giải quyết rốt ráo những vấn đề này không đơn giản. Gần đây, Thái Lan và Indonesia đang cân nhắc giải pháp: di dời thủ đô. Liệu việc dời đô của họ có khả thi và Việt Nam có nên học theo?
Từ Jakarta đến Bangkok
Ngày 26-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chính thức thông báo sẽ dời thủ đô của đất nước vạn đảo từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. “Chúng tôi đã kết luận rằng địa điểm lý tưởng nhất để đặt thủ đô mới là một phần ở quận Penajam Paser Utara và một phần ở quận Kutai Kertanegara”- ông Widodo phát biểu trên sóng truyền hình.
Tổng thống Indonesia cũng cho biết chính phủ sẽ soạn thảo dự luật dời thủ đô để Quốc hội xem xét thông qua càng sớm càng tốt. Theo kế hoạch di dời, Jakarta sẽ là thủ đô thương mại, trong khi thành phố mới sẽ trở thành thủ đô hành chính của Indonesia - giống như vai trò tương ứng của Kuala Lumpur và Putrajaya của Malaysia.
 Di chuyển các cơ quan chính phủ của một quốc gia không bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Một trong những thách thức lớn của việc di chuyển thủ đô là thuyết phục người dân. Việc di dời thủ đô khó hay dễ còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của nơi chuyển đến.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Widodo cho hay chi phí dời đô dự tính 33 tỷ USD. Trong đó, nhà nước tài trợ 19%, số còn lại huy động từ các nguồn đối tác công tư (PPP) và đầu tư tư nhân. Việc di dời sẽ được thực hiện từ năm 2021, hoàn tất 2029.
Chính phủ cho biết tình trạng kẹt xe kinh niên tại Jakarta khiến thiệt hại kinh tế hàng năm lên đến 7,04 tỷ USD. Đó là hệ quả của việc địa hình thấp và khai thác nước ngầm quá mức, khiến Jakarta với hơn 10 triệu dân thường xuyên hứng chịu lũ lụt và sụt lún.
40% thành phố nằm dưới mực nước biển, là thành phố có tốc độ "chìm" nhanh nhất thế giới, trung bình 10 inch (25,4cm) mỗi năm. Ước tính vào năm 2050, 95% Bắc Jakarta có thể bị nhấn chìm hoàn toàn.
Thái Lan cũng đang cân nhắc ý tưởng dời đô. Ngày 18-9, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu, cho rằng giải pháp khả thi cho tình trạng quá tải ở Bangkok sẽ là di dời thủ đô. Theo ông, có 2 cách di dời: "Tìm thành phố khác ở cách Bangkok không quá xa, không quá tốn kém để di dời; hoặc dời văn phòng chính phủ, doanh nghiệp... ra ngoại thành Bangkok để giãn dân".
Dời đô hay phát triển thành phố vệ tinh ảnh 1 Thành phố đang chìm dần khiến Thái Lan cân nhắc chuyện dời đô khỏi Bangkok.
Thủ tướng lưu ý cách di dời 2 sẽ bảo tồn các địa danh quan trọng của thủ đô, trong khi giúp giảm số lượng người cần đi vào thủ đô, giúp giảm tắc nghẽn giao thông. Ông Prayut Chan-o-cha nói việc di chuyển thủ đô chỉ là ý tưởng, với rất nhiều nghiên cứu cần thiết để xác định tính khả thi và tác động kinh tế - xã hội tiềm năng. 

Tương tự Jakarta, Bangkok đối mặt với hàng loạt thách thức như dân số bùng nổ (trên 10 triệu người), ô nhiễm nghiêm trọng, nền đất sụt lún và nước biển dâng nhanh đe dọa nhấn chìm thành phố.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính gần 40% diện tích Bangkok sẽ ngập trong nước vào năm 2030, do lượng mưa cực lớn và các thay đổi trong chu kỳ mùa màng. Do được xây trên một vùng đất trước kia là đầm lầy, Bangkok nằm trong nhóm các đô thị sụt lún nhanh và chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, bên cạnh Jakarta, Manila (Philippines), TPHCM (Việt Nam)... 

Quan trọng là thuyết phục người dân 
 Theo Tổng thống Widodo việc dời đô là để giải quyết tình trạng mất cân bằng và giảm bớt một số gánh nặng cho Jakarta và đảo Java - nơi cư trú của 60% dân số đất nước và hơn một nửa hoạt động kinh tế. Kalimantan lớn hơn gần 4 lần, nhưng chiếm chưa đến 1/10 GDP. Xét về vị trí địa lý, Kalimantan có tính trung tâm hơn trong số 17.000 hòn đảo của Indonesia. "Vị trí này rất chiến lược vì nó nằm ở trung tâm của Indonesia và gần các khu vực đô thị" - Tổng thống Widodo nói. Jakarta cũng đang phải vật lộn dưới gánh nặng môi trường lớn. Chất lượng không khí của thành phố đã sụt giảm trong vài tháng qua. Tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn, khiến một nhóm nhà hoạt động và nhà môi trường yêu cầu chính phủ hành động.
Tuy nhiên, di chuyển các cơ quan chính phủ của một quốc gia không bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. GS. Mark Wilson của Đại học bang Michigan, cho biết một trong những thách thức lớn của việc di chuyển thủ đô là thuyết phục người dân.
Thông thường thủ đô hiện hữu của quốc gia sẽ có sự tập trung sức mạnh kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như các tổ chức phục vụ lợi ích của giới thượng lưu, dân cư, như câu lạc bộ, tổ chức văn hóa hoặc trường học. Các cơ sở hạ tầng ưu tú của thủ đô cũ được xây dựng trong nhiều năm và khó có thể sao chép nhanh chóng.
Vì vậy, việc di dời thủ đô khó hay dễ còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của nơi chuyển đến. Chẳng hạn, việc nước Đức thống nhất chuyển thủ đô từ Bonn đến Berlin không gặp nhiều phản đối, vì Berlin (thủ đô của CHDC Đức trước đây) vốn đã có hạ tầng cơ sở rất tốt và hiện đại.
Trong khi những nỗ lực ở Hàn Quốc để di chuyển thủ đô ra khỏi Seoul nhiều năm qua gặp khó khăn vì thành phố này vẫn là trái tim của đời sống kinh tế và xã hội quốc gia. Với trường hợp Jakarta, cho dù không còn các khu hành chính, người dân vẫn sẽ chuyển đến đó vì nó vẫn là trung tâm kinh tế tốt nhất đất nước, cung cấp cho mọi người cơ hội kiếm sống tốt hơn.

Nâng cấp và kết nối
Sau gợi ý của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, tờ Bangkok Post cho rằng chính phủ không nên tính chuyện dời đô, thay vào đó nên tìm cách cải thiện kinh đô cũ. Bangkok Post lý giải đây không phải là ý tưởng mới. Sau khi Bangkok bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt vào năm 2011, một số thành viên Nghị viện Pheu Thai đã đề nghị Hạ viện tiến hành nghiên cứu di dời thủ đô.
Năm 2017, chính phủ quân sự cũng đã giao cho Hội đồng Phát triển Kinh tế-Xã hội quốc gia (NESDC) nghiên cứu khả năng chuyển các văn phòng chính phủ từ Bangkok đến Chachoengsao ở phía Đông. Tuy nhiên, cho đến nay việc di dời thủ đô vẫn chưa được thực hiện. Theo Bangkok Post, trên thực tế việc chuyển văn phòng chính phủ và thủ đô từ Bangkok sang tỉnh khác dường như không thể. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư nằm ngoài khả năng. Hơn nữa, hàng trăm tỷ baht đã được chi cho việc phát triển mạng lưới giao thông đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ở Bangkok. 
Tờ báo đề xuất một số giải pháp. Trước hết, các cơ quan nhà nước phải thực hiện các biện pháp và chính sách tích hợp, hiệu quả cho sự phát triển của thành phố. Song song đó, chuyển dần cơ hội phát triển và sự thịnh vượng đến các tỉnh khác. Để làm việc này, cả quyền lực hành chính và kinh tế phải được phân cấp, các phương pháp phân bổ ngân sách từ trên xuống của chính phủ phải thay đổi.
Ngoài ra, các kế hoạch phát triển đô thị được thiết kế riêng cho các tỉnh, liên kết chúng với các mạng lưới đường sắt tốc độ cao và đường sắt đôi đang được xây dựng. "Thủ đô không cần di chuyển khỏi Bangkok. Nó cần được quản lý tốt hơn, với tầm nhìn tốt và các chính sách hiệu quả" - Bangkok Post viết. 
Thủ đô Paris (Pháp) trước đây cũng gặp các vấn đề kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Để giải quyết, 5 thành phố vệ tinh quanh Paris (cách 30km) đã được xây dựng và phát triển mạnh giao thông công cộng như tàu điện ngầm, metro, tàu mặt đất... kết nối khu trung tâm.
Đặc biệt, quanh các trạm metro phát triển mạnh khu dân cư để thu hút đầu tư. Các đô thị này đã thu hút được 1 triệu người, tương đương 25% số lượng người tăng thêm tại vùng Ile de France trong cùng thời gian. Nhờ giảm tải lượng dân cư tại khu vực trung tâm, diện tích các bãi đỗ xe giảm theo, dành chỗ cho các công trình công cộng và hạ tầng xã hội còn thiếu.
Tương tự, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã xây dựng 14 thành phố vệ tinh, được bao quanh bởi các vành đai xanh, kết nối với khu đại đô thị bằng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả như các tuyến đường sắt đô thị. Đối với Nhật Bản, ngay từ khi đô thị lõi phát triển, họ đã đầu tư hệ thống đường sắt ra bên ngoài đô thị lân cận. Sau 10 năm hoặc 15 năm, họ bắt đầu phát triển các chính sách thu hút doanh nghiệp như giảm thuế, giảm giá thuê đất… 
Trong khi đó, Hàn Quốc được biết đến với kinh nghiệm thành công trong giảm tải dân số khu vực đô thị trung tâm nhưng vẫn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Tại các thành phố vệ tinh Kangnam, Incheon, Songdo, Changwon, Deagu, việc xây dựng các khu công nghiệp và khu dân cư đã giảm bớt áp lực về dân số cho thủ đô Seoul. Để đảm bảo sự kết nối giữa các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm, Hàn Quốc đã đầu tư hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt tiện lợi, giúp người dân dễ dàng di chuyển từ khu vực ngoại thành vào trung tâm.  
 Một trong những biện pháp bền vững và khả thi để giải quyết các vấn đề đô thị như dân đông, kẹt xe, ô nhiễm… là phát triển các thành phố vệ tinh, giảm tải cho thành phố mẹ về dân số, việc làm và dịch vụ. 

Các tin khác