Điểm nghẽn chặn nguồn sống của bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ

(ĐTTCO)-Hàng triệu USD vật tư cứu trợ Covid-19 từ nước ngoài đã cập bến Ấn Độ ít nhất một tuần qua, song đa số vẫn nằm im tại các kho bãi.

 

Điểm nghẽn chặn nguồn sống của bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ

Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn tại Ấn Độ từ tháng trước, hàng chục nước đã cam kết viện trợ những vật tư, trang thiết bị y tế quan trọng cho nước này.

Các máy bay chở máy thở, oxy và thuốc kháng virus bắt đầu cập bến Ấn Độ từ tuần trước, với những bức ảnh cho thấy các kiện hàng khổng lồ đang được dỡ xuống sân bay New Delhi.

Nhưng suốt nhiều ngày sau đó, hầu hết số hàng trên vẫn bất động trong các kho chứa. Bên ngoài, tình hình dịch bệnh tiếp tục báo động. Các y bác sĩ và giới chức địa phương liên tục báo cáo về tình trạng thiếu hụt vật tư, trang bị, khiến hệ thống y tế đứng bên bờ vực sụp đổ. Thực tế này buộc không ít người, kể cả các nhà tài trợ nước ngoài, đặt câu hỏi "Hàng viện trợ đã đi đâu?".

Chính phủ Ấn Độ tối 4/5 ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc về việc chậm trễ phân bổ hàng cứu trợ, khẳng định họ đã thiết lập một "cơ chế hợp lý" để đưa vật tư y tế đến nơi cần. Gần 4 triệu vật phẩm quyên góp thuộc 24 hạng mục đã được chuyến tới 38 cơ sở chăm sóc sức khỏe trên cả nước, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay.

Điểm nghẽn chặn nguồn sống của bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ ảnh 1 Bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 1-5. Ảnh: AFP.
Nhưng trên thực tế, nhiều bang và chính quyền địa phương khẳng định họ nhận được rất ít hoặc không có bất kỳ thông báo nào từ chính quyền trung ương, liên quan đến cách thức hay thời gian hàng cứu trợ sẽ đến tay họ.

"Chúng tôi đã cử các phái đoàn đến thủ đô để tìm hiểu về tình trạng nguồn oxy, thuốc thang và vaccine nhưng không được làm rõ", Raghu Sharma, lãnh đạo y tế bang Rajasthan, hồi đầu tuần cho biết. "Không có thông tin nào về số vật tư nhập khẩu hay hàng viện trợ được chia sẻ với chính quyền bang".

Chính quyền trung ương đã "để các bang chìm trong bóng tối giữa đại dịch", ông nói, đồng thời kêu gọi thiết lập một "môi trường minh bạch hơn".

Bộ Y tế Ấn Độ hôm 4-5 thông báo đã chuyển hàng viện trợ tới hai bệnh viện ở thành phố Jodhpur và Jaipur thuộc bang Rajasthan.

Có nhiều "điểm nghẽn" dẫn tới tình trạng chậm trễ này, như bộ máy quan liêu rườm rà, lỗi do con người hay các quy trình tốn thời gian. Tuy nhiên, tại các bệnh viện đang gồng mình chống dịch, những lời giải thích này không mang nhiều ý nghĩa. Tất cả những gì họ muốn chỉ là chính quyền phải hành động nhanh hơn, để chuyển hàng viện trợ tới các phòng chăm sóc tích cực (ICU), nơi hàng nghìn người đang chết mỗi ngày.

Ấn Độ ngày 5-5 ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm mới và gần 3.800 trường hợp tử vong vì Covid-19. Nước này đến nay báo cáo hơn 21 triệu ca nhiễm và hơn 230.000 ca tử vong, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới.

Tình trạng thiếu oxy đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận. "Chính quyền phải có trách nhiệm cung cấp oxy cho chúng tôi", bác sĩ S.C.L. Gupta, giám đốc bệnh viện Batra ở New Delhi, nhấn mạnh.

Điểm nghẽn chặn nguồn sống của bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ ảnh 2 Hàng viện trợ từ Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được chuyển tới sân bay New Delhi ngày 29-4. Ảnh: India Foreign Ministry.
Ít nhất 12 người, bao gồm một bác sĩ, đã qua đời tại bệnh viện Batra hôm 1-5 do cạn kiệt oxy. Bác sĩ Gupta cho biết nhân viên bệnh viện đã dành cả ngày báo động với nhà chức trách rằng họ chỉ còn lượng oxy đủ dùng trong vài giờ, song không được giải quyết. Cuối cùng, họ phải dựa vào nguồn oxy do gia đình bệnh nhân cung cấp.

"Bệnh nhân đang chết trước mắt chúng tôi. Tôi xin lỗi vì không thể cứu họ", ông nói.

Một vấn đề được truyền thông Ấn Độ nhấn mạnh là việc chính phủ không có sẵn các quy trình hành động trước khi nhận hàng viện trợ. Theo thông báo hôm 4-5 từ Bộ Y tế, nhà chức trách đã phải mất 7 ngày chỉ để xây dựng một cơ chế phân bổ hàng viện trợ tới các bang.

Họ bắt tay triển khai vào ngày 26-4 và ban hành Quy định Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP), văn bản hướng dẫn cách phân phối hàng viện trợ, vào ngày 2-5. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ quá trình phân phối viện trợ khi nào sẽ bắt đầu. Trong 7 ngày này, hơn 23.000 người Ấn Độ đã chết vì Covid-19.

Ngay cả khi SOP đã được ban hành, quá trình phân bổ vẫn rất phức tạp và có khả năng bị trì hoãn thêm.

Khi hàng viện trợ cập bến, chúng sẽ được Hội Chữ thập Đỏ Ấn Độ đứng ra tiếp nhận. Hội Chữ thập Đỏ sẽ làm việc với hải quan để thông quan hàng hóa, Bộ Y tế cho biết.

Sau khi được thông quan, hàng sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế và nhà sản xuất sản phẩm y tế HLL Lifecare thuộc sở hữu chính phủ. Đây là nơi chịu trách nhiệm vận chuyển hàng viện trợ đến điểm tiếp nhận cuối cùng.

Nhưng đây thực sự là một "ác mộng hậu cần" khổng lồ bởi "hàng hóa từ nước ngoài đang đến với số lượng, thông số kỹ thuật và thời điểm khác nhau", thông báo từ Bộ Y tế Ấn Độ ngày 4-5 cho hay. Một số vấn đề có thể phát sinh và trong nhiều trường hợp, chủng loại hoặc số lượng hàng viện trợ không khớp với danh sách hàng hóa do nhà tài trợ nước ngoài cung cấp.

Vì thế, các cơ quan chức năng Ấn Độ phải lãng phí thời gian quý giá để làm rõ những thông tin không trùng khớp ngay tại sân bay. Trong lúc này, hàng viện trợ vẫn nằm im. Chỉ sau khi thủ tục giấy tờ hoàn thành, quá trình phân phối mới có thể được tiến hành.

Ấn Độ là một nước lớn với hơn 1,3 tỷ dân và hầu hết hàng viện trợ nước ngoài đều được chuyển đến New Delhi. Điều này đồng nghĩa hàng hóa sau đó phải được chuyển đến những bang xa xôi. Các bang có số ca nhiễm lớn sẽ được ưu tiên và các khoản quyên góp cũng sẽ được phân bổ trước đến những bang có ít tài nguyên hoặc bang ở vùng sâu vùng xa, theo Bộ Y tế.

Không rõ còn bao nhiêu hàng viện trợ đang chờ được xử lý, song những lô hàng đầu tiên đã bắt đầu đến với nơi cần chúng nhất. Không quân Ấn Độ hôm 4-5 chuyển một số trong 450 bình oxy do Anh viện trợ tới Chennai, theo cơ quan hải quan địa phương. 350 máy tạo oxy từ Hong Kong cũng đang được chuyển đến Mumbai ngày 5-5.
Điểm nghẽn chặn nguồn sống của bệnh nhân Covid-19 Ấn Độ ảnh 3 Một máy bay quân sự chở hàng viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Dù vậy, số hàng viện trợ này chỉ giúp giảm một phần rất nhỏ áp lực với hệ thống y tế Ấn Độ. Tính đến ngày 4-5, Chennai ghi nhận hơn 32.000 ca nhiễm Covid-19, trong khi số ca tại Mumbai là 56.000. Các bệnh viện tại cả hai thành phố đang thiếu nguồn lực trầm trọng và số bệnh nhân tử vong lên đến hàng chục người mỗi ngày.

Trong khi tìm cách chuyển hàng viện trợ tới các bang, chính phủ Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng cường sản xuất oxy trong nước. Chính quyền liên bang luôn tuyên bố họ có đủ nguồn cung cho nhu cầu của các bang.

Nhưng bác sĩ, các quan chức địa phương và những bệnh nhân tuyệt vọng lại kể một câu chuyện rất khác.

Tại một bệnh viện ở Meerut, thành phố thuộc bang Uttar Pradesh, một bệnh nhân 55 tuổi đã phải nằm chờ 6 ngày mới được thở máy và gia đình bà thậm chí phải mang theo bình oxy riêng. Có thời điểm, các chỉ số sinh tồn của bà tụt xuống mức nguy hiểm, nhưng bác sĩ đã giúp cứu bà khỏi cửa tử.

Tuy nhiên sau đó, tình trạng của bệnh nhân lại xấu đi và lần này các bác sĩ không thể làm được gì thêm. Thi thể người phụ nữ được để trong phòng ICU gần một giờ trước khi chuyển đi.

Những cảnh tượng tương tự diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn của Ấn Độ. Ở New Delhi, tình hình trở nên tồi tệ đến mức Tòa án Tối cao đã yêu cầu chính quyền trung ương phải xử lý triệt để tình trạng thiếu oxy tại đây và thời hạn cuối cùng là ngày 10-5.

Một tòa án ở Uttar Pradesh cũng yêu cầu chính quyền phải "có các biện pháp khắc phục ngay lập tức" nhằm chấm dứt tình trạng bệnh nhân chết do thiếu nguồn cung oxy.

"Khiến bệnh nhân chết vì không cung cấp đủ oxy cho bệnh viện là một hành động tội ác... của những người đã được giao nhiệm vụ đảm bảo chuỗi cung ứng oxy lỏng", tòa án ở Uttar Pradesh hôm 4-5 nhấn mạnh.

Chính quyền trung ương đã phản ứng bằng cách tăng cường các biện pháp khẩn cấp. Hai trong 5 nhà máy oxy tại chỗ dành cho các bệnh viện ở Delho bắt đầu hoạt động vào ngày 5-5, theo thông báo trên Twitter của Bộ Y tế Ấn Độ. Chính phủ đang lên kế hoạch thiết lập 500 nhà máy sản xuất oxy trên cả nước trong ba tháng tới.

Tuần này, một số nguồn oxy tăng cường đã được chuyển đến những bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh bằng đường sắt. Nhưng cho đến khi chúng tới nơi, dù từ nhà máy trong nước hay từ các nhà tài trợ nước ngoài, bệnh nhân vẫn không còn lựa chọn nào khác là chờ đợi.

Các tin khác