Cú sốc hoãn Olympic Tokyo 2020

(ĐTTCO) - Vậy là kịch bản xấu nhất Nhật Bản lường trước cũng đến. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị hoãn 1 năm Thế vận hội Tokyo 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu. Dù ngọn lửa Olympic có thể trở thành ánh sáng cuối đường hầm, và Nhật Bản sẽ giữ lại tới năm sau, nhưng ngay lập tức kinh tế Nhật Bản sẽ suy thoái là điều khó tránh khỏi.

Hơn 14,7 tỷ USD bị thổi bay
Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại kéo dài 124 năm của sự kiện này, Thế vận hội thể thao bị hoãn lại vì đại dịch lan rộng toàn cầu. Dù hồi đầu tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tư vấn cho các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo không đưa ra quyết định hủy bỏ Olympic, nhưng chỉ vài tuần sau Nhật Bản buộc phải đưa ra quyết định khó khăn này.
Vì ảnh hưởng của Covid-19, nền kinh tế Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, và đợt suy yếu quý I-2020 đang có nguy cơ trở thành cuộc suy thoái lớn. Quyết định lùi 1 năm Thế vận hội Tokyo 2020 thực sự là cú sốc lớn không chỉ với nền kinh tế vốn đang suy thoái của Nhật Bản, mà hệ lụy của nó thật kinh khủng trong năm nay.
Cú sốc hoãn Olympic Tokyo 2020 ảnh 1 Thế vận hội thể thao Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại vì đại dịch lan rộng toàn cầu.
GDP năm nay của Nhật Bản sẽ giảm 1,4%, theo một báo cáo mới nhất của SMBC Nikko Securities khi Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hoãn. Điều này đồng nghĩa con virus corona chủng mới đã thổi bay hàng tỷ USD, khi chi phí chuẩn bị cho Olympic trong thời gian qua “đổ xuống sông, xuống biển”. Theo The New York Times, Nhật Bản sẽ mất trắng 12,5 tỷ USD đã bỏ ra cho sân vận động mới và cơ sở hạ tầng. Đó là chưa kể Nhật Bản đã mất 28,6 triệu USD chi phí ước tính mất do hoãn các cuộc thi marathon và đi bộ từ Tokyo đến Sapporo để tránh cái nóng mùa hè.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kinh tế khẩn cấp trị giá 270 tỷ yen, tương đương 2,5 tỷ USD hồi giữa tháng 3 để giúp chống lại dịch bệnh.  Ở thời điểm đó, ông Shinzo Abe cho biết trong một cuộc họp báo, rằng Nhật Bản đang cố gắng có thể kiểm soát được sự bùng phát dịch bệnh trước Thế vận hội mùa hè Tokyo. Còn lúc này ông đã tắt ngấm hy vọng khi buộc phải tuyên bố lùi sự kiện này 1 năm.

 Nhà tài trợ mất 2,7 tỷ USD
Các công ty tư nhân đã bỏ ra hàng tỷ USD cho các hợp đồng tài trợ và truyền thông sẽ ra sao nếu hủy Thế vận hội? Vào tháng 12 năm ngoái, NBC Universal cho biết đã có được hơn 1 tỷ USD tiền hợp đồng quảng cáo trong các chương trình phát sóng của Mỹ về Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Dự kiến các hợp đồng sắp tới sẽ đưa doanh thu của công ty lên mức 1,2 tỷ USD. Comcast, công ty mẹ của NBC Universal, đã đồng ý trả hơn 4,4 tỷ USD cho các bản quyền truyền thông tại Mỹ cho 4 kỳ Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông từ năm 2014-2020, trung bình 1,1 tỷ USD mỗi sự kiện. Discovery Communications, chủ sở hữu kênh truyền hình Eurosport, đã đồng ý trả hơn 1,47 tỷ USD cho bản quyền phát sóng Thế vận hội từ năm 2018-2024, trung bình 357.802USD mỗi sự kiện. Tổng cộng, các công ty tư nhân sẽ thiệt hại ít nhất 2,7 tỷ USD nếu Thế vận hội không diễn ra. Tính thêm phí bảo hiểm và tài trợ, tổng thiệt hại của các công ty tư nhân có thể sẽ hơn 8,3 tỷ USD. 
Công ty nghiên cứu Global Data cho biết 14 công ty trên toàn thế giới bao gồm Coca-Cola, Procter & Gamble và Intel đã chi 500 triệu USD trong năm nay và đã ký kết gần 4 tỷ USD cho các hợp đồng tài trợ hàng đầu của Olympic trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi nhận được tin hoãn Thế vận hội Tokyo đến năm 2021 do đại dịch Covid-19, 4 nhà tài trợ lớn của sự kiện này Procter & Gamble, Intel, Airbnb và Coca-Cola đã tái khẳng định cam kết của họ đối với Olympic. Trước đó, Bridgestone cho biết sẽ tìm kiếm các giải pháp sáng tạo trong bối cảnh phải hoãn Olympic. 
Ngoài Thế vận hội, nhiều sự kiện thể thao quốc gia trên toàn Nhật Bản đã buộc phải hủy bỏ trong những tháng tới. Các luật sư tham gia các thỏa thuận hủy bỏ này cho biết nhiều nhà tài trợ, thường là các công ty nhỏ, đang cố gắng rút lui và lấy lại tiền của họ. Tuy nhiên, ngay cả khi một công ty muốn lấy lại tiền tài trợ Olympic, các thỏa thuận trong hợp đồng ký với IOC cũng sẽ không cho phép các công ty được hoàn tiền. Tiền tài trợ là yếu tố rất quan trọng để IOC tiếp tục hoạt động, bởi đây là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động chủ yếu nhờ tiền cung cấp quyền phát sóng và doanh thu từ các nhà tài trợ hàng đầu. 

Du lịch, bảo hiểm thiệt hại nặng
 Theo nhiều chuyên gia, ngành du lịch Nhật Bản có thể bị thiệt hại hơn 2,2 tỷ USD do mất hàng triệu lượt du khách đến Thế vận hội, đưa tổng thiệt hại của Nhật Bản lên hơn 14,7 tỷ USD. Năm ngoái, Nhật Bản đã tiếp đón 31,9 triệu du khách nước ngoài, đóng góp 4.810 tỷ yen, tương đương 45,3 tỷ USD. Nhà kinh tế học Kiichi Murashima cho biết Covid-19 có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản vốn đang gặp khó khăn sẽ trải qua đợt tăng trưởng GDP bằng 0 hoặc thậm chí âm trong quý III. Jesper Koll, một cố vấn cấp cao của WisdomTree - Quỹ quản lý tài sản của Mỹ, cho biết nếu Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu, kinh tế Nhật Bản sẽ không thể phục hồi sau 2 quý tăng trưởng âm. 
 Các công ty bảo hiểm toàn cầu phải đối mặt với những thất thoát khổng lồ nếu Thế vận hội bị hủy bỏ. Theo IOC, tiền bảo hiểm cho mỗi Thế vận hội Mùa hè khoảng 814 triệu USD, chiếm phần lớn khoản đầu tư trị giá khoảng 1,015 tỷ USD cho mỗi thành phố chủ nhà Olympic. Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Jefferies ước tính chi phí bảo hiểm của Thế vận hội hơn 2 tỷ USD.  
  Với diễn biến xấu của Covid-19, việc hoãn tổ thức Thế vận hội Tokyo 2020 thực sự là cú sốc lớn đối với nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc, ít nhất là trong năm nay.

Các tin khác