Chính quyền Biden sẽ tài trợ 4 tỷ USD cho sáng kiến vắcxin COVAX toàn cầu

(ĐTTCO) - Trong tổng số tiền 4 tỷ USD nói trên, 2 tỷ USD sẽ được tài trợ ngay cho Liên minh toàn cầu về vắcxin trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới, số tiền còn lại sẽ được tài trợ dần trong 2 năm tiếp theo.

Nhân viên y tế làm việc tại phòng tiêm vắcxin phòng COVID-19 ở Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế làm việc tại phòng tiêm vắcxin phòng COVID-19 ở Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gửi một khoản tiền khoảng 4 tỷ USD cho Liên minh toàn cầu về vắcxin (Gavi) để hỗ trợ sáng kiến hợp tác vắcxin toàn cầu COVAX nhằm tăng tốc phát triển và phân phối vắcxin cho các nước có thu nhập thấp.

Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ ngày 18/2 cho biết Tổng thống Biden sẽ đưa ra thông báo trên khi tham dự một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), đồng thời sẽ kêu gọi các đối tác trong khối này thực hiện tốt cam kết cũng như khuyến khích các nước khác đóng góp để hỗ trợ COVAX.

Theo nguồn tin trên, trong tổng số tiền 4 tỷ USD nói trên, 2 tỷ USD sẽ được tài trợ ngay cho Gavi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới, số tiền còn lại sẽ được tài trợ dần trong 2 năm tiếp theo nhằm giúp khuyến khích các cam kết mới của các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ cung cấp và phân phối vắcxin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Khoản tiền tài trợ trên được Quốc hội Mỹ phân bổ trong dự luật cứu trợ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tài trợ cho chính phủ hoạt động đã được thông qua vào tháng 12/2020.

Chính quyền Tổng thống Biden cho biết khoản tài trợ này là cần thiết để chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, giảm nguy cơ dịch bệnh đối với người dân Mỹ và phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Thông báo trên sẽ đánh dấu nỗ lực mới nhất của Tổng thống Biden nhằm thực hiện một cách tiếp cận khác so với người tiền nhiệm để giải quyết đại dịch và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác toàn cầu trong việc đánh bại căn bệnh này.

Ngay trong ngày thứ 2 tại nhiệm, Tổng thống Biden đã ký một bản ghi nhớ chỉ đạo việc tham gia COVAX, sau khi người tiền nhiệm Donald Trump từ chối tham gia cơ chế này năm ngoái.

Hiện có hơn 190 quốc gia tham gia sáng kiến COVAX do Gavi, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng dẫn dắt.

Mục tiêu của COVAX là tiêm chủng cho 20% dân số của các quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới vào cuối năm nay.

Cùng ngày, trả lời Tờ Financial Times (Anh) trước thềm Hội nghị trực tuyến G7 do Anh tổ chức vào ngày 19/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi phương Tây chuyển ngay 5% số lượng vắcxin ngừa COVID-19 hiện có cho các nước châu Phi.

Phóng viên TTXVN tại London cho biết Tổng thống Pháp Macron thừa nhận rằng Liên minh châu Âu (EU) đã chậm hơn Mỹ trong việc đảm bảo sản xuất và cung cấp vacicne cho người dân của mình và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, nhưng khẳng định việc chuyển một phần nhỏ liều lượng khỏi chuỗi cung ứng của châu Âu sang châu Phi sẽ không cản trở các chiến dịch tiêm chủng.

Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng kế hoạch này sẽ là một phép thử về chủ nghĩa đa phương.

Ngày 19/2, trên vai trò nước Chủ tịch G7 năm 2021, Thủ tướng Anh sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước khác trong G7 để bàn về cách thức hợp tác toàn cầu trong phân phối công bằng vắcxin ngừa COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch này.

Các tin khác