Chỉ chào đón người giàu

Trong khi hàng trăm người tỵ nạn đói khổ bị chết chìm ở Địa Trung Hải, nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) vô tư cấp giấy phép cư trú cho những người giàu đến từ Trung Quốc, Arab và Nga. Chính sách nhập cư của EU bị chỉ trích chỉ mở cửa cho người giàu.

Trong khi hàng trăm người tỵ nạn đói khổ bị chết chìm ở Địa Trung Hải, nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) vô tư cấp giấy phép cư trú cho những người giàu đến từ Trung Quốc, Arab và Nga. Chính sách nhập cư của EU bị chỉ trích chỉ mở cửa cho người giàu.

Khi cửa chớp Văn phòng Di trú của Latvia mở vào lúc 8 giờ sáng đã có nhiều người chờ đợi cấp giấy phép. Họ là những người Nga, Kazakh và Trung Quốc có thông dịch viên cùng các cố vấn đi kèm, với các hợp đồng bán hàng trong tay. Một số đã sở hữu bất động sản ở Latvia mới được vài giờ, nhiều người lần đầu tiên đến thủ đô Riga, có người thậm chí đang quá cảnh. Tất cả đều muốn có giấy phép cư trú - chiếc vé để họ sang Trung Âu.

Chương trình giấy phép cư trú đã thu hút hàng ngàn người nước ngoài tới Latvia. Dù cuối cùng hầu như không ai trong số họ sẽ sống ở nước này, nhưng bất cứ ai mua tài sản trị giá ít nhất 50.000 lats (96.500USD - 2 tỷ đồng) ở các tỉnh, hoặc 100.000 lats ở các thành phố lớn như Riga sẽ nhận được một giấy phép cư trú 5 năm.

Và điều đó có nghĩa họ được tự do đến các nước trong khu vực Schengen (gồm 26 nước châu Âu). Chính phủ Latvia đã triển khai chương trình gây tranh cãi này để cứu vãn thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Nay chính sách này đang được nhiều nước khác bắt chước.

Người nhập cư trái phép trong một trại tỵ nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.

Người nhập cư trái phép trong một trại tỵ nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.

Tiền đổi lại visa Schengen. Các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Hungary đã dùng chính sách này để lôi kéo nhà đầu tư mới từ khắp thế giới. Mô hình này là một cách nhằm lách kẽ hở của luật tỵ nạn rất nghiêm ngặt của EU, mà thảm họa Lampedusa khiến 150 người châu Phi chết chìm mới đây đang đặt ra những vấn đề đạo đức đối với luật này.

Theo ước tính của Cơ quan Tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNRA), từ năm 2011 đến nay có khoảng 2.000 người bị chết ở Địa Trung Hải vì nhập cư lậu, trong khi nhiều thành viên EU mở cửa sau cho những người nước ngoài giàu có. “Những người thực sự cần nơi tỵ nạn lại bị từ chối, còn những kẻ giàu có được chào đón nồng nhiệt. Và mô hình của Latvia đang được các nước khủng hoảng tài chính ở EU học theo” - Karl Kopp, Giám đốc tổ chức quyền tỵ nạn Pro Asyl, nói.

Ở Tây Ban Nha, một luật mới triển khai hôm 8-10 quy định cấp giấy phép cư trú cho bất kỳ ai đầu tư ít nhất 500.000EUR vào bất động sản. Các chuyên gia hy vọng luật này sẽ thu hút 300.000 người mua mới. Tương tự, hồi mùa hè, Hy Lạp thông qua luật cấp giấy phép cư trú 5 năm cho bất kỳ ai đầu tư 250.000EUR vào bất động sản.

Từ tháng 10-2012, Bồ Đào Nha đưa ra chính sách “thị thực vàng”: giấy phép cư trú ít nhất 2 năm đổi lại đầu tư bất động sản từ 500.000EUR. Tại Hungary, kể từ tháng 7, nhà đầu tư mua ít nhất 250.000EUR trái phiếu sẽ được cấp giấy phép cư trú. “Với những chương trình thị thực này, châu Âu đang mất độ tín nhiệm” - theo Birgit Sippel, phát ngôn viên chính sách an ninh và nhập cư của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở Đức.

Trên lý thuyết, các giấy phép này chỉ cho phép các công dân phi EU ở 90 ngày trong mỗi 180 ngày ở các nước Schengen khác, nhưng trong thực tế hoàn toàn không có ai kiểm tra điều này. Một khảo sát của Cục Nhập cư Latvia cho biết hầu như không có cư dân mới nào ở lại nước này lâu.

Chưa tới 1/5 những người có giấy phép nhập cư mới ở lâu dài tại Latvia. Thay vào đó, họ cho thuê bất động sản ngay lập tức hoặc đơn giản là bỏ không và sang các nước như Pháp, Áo hay Đức. Dù vậy, chính sách này ước tính đã giúp thu hút 600 triệu EUR vào thị trường bất động sản Lativa.

Các tin khác