Châu Âu hoàn tất liên minh ngân hàng

Sau một thời gian dài tranh cãi, cuối cùng các nhà làm luật châu Âu hôm 15-4 đã ký vào những luật mới cho phép nhà chức trách dễ dàng hơn trong việc đóng cửa các ngân hàng.

Sau một thời gian dài tranh cãi, cuối cùng các nhà làm luật châu Âu hôm 15-4 đã ký vào những luật mới cho phép nhà chức trách dễ dàng hơn trong việc đóng cửa các ngân hàng.

Phiên bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu đã cấp một con dấu cuối cùng cho phép các nhà chức trách có thể đóng cửa các ngân hàng yếu kém ở khu vực đồng EUR, là bước đi cuối cùng để thành lập liên minh ngân hàng trên khắp 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Gần 7 năm kể từ khi nhà cho vay doanh nghiệp nhỏ của Đức IKB trở thành nạn nhân đầu tiên của châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực này vẫn đang phải vật lộn để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng ảm đạm.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng là đối tượng bị chỉ trích dữ dội nhất vì giảm hoạt động cho vay. Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương đã hành động kịp thời để ngăn chặn các vấn đề phát sinh từ hệ thống ngân hàng, việc cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia ở châu Âu đã ngăn chặn khu vực trong việc thiết lập một mặt trận thống nhất để cùng nhau thoát khủng hoảng.

Một liên minh ngân hàng nhằm đưa các ngân hàng vào khuôn khổ quản lý thống nhất, buộc từng ngân hàng phải làm sạch sổ kế toán để được phép tồn tại. Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi. Những thay đổi mới sẽ được áp dụng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu hoạch định chính sách khu vực trong năm nay. “EU đã làm sống động các cam kết của mình.

Liên minh ngân hàng giúp hoàn chỉnh liên minh kinh tế và tiền tệ, đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên các gói cứu trợ lớn và đảm bảo người nộp thuế sẽ không còn chứng kiến các hóa đơn gia tăng khi các ngân hàng gặp khó khăn” - theo Michel Barnier, quan chức châu Âu phụ trách các quy định. Điểm quan trọng nhất là luật mới đưa ra các quy định giúp dễ dàng hơn trong việc chuyển những thiệt hại lên vai các trái chủ và thậm chí là những người gửi nhiều tiền trong các ngân hàng bị sụp đổ.

Ngoài ra, các nước có nghĩa vụ đưa ra các chương trình được bảo hiểm cho 100.000EUR gửi tiết kiệm đầu tiên của bất kỳ tài khoản nào, dù không cho biết châu Âu sẽ hỗ trợ từng thành viên như thế nào nếu nước đó bị thiếu tiền cho chương trình bảo hiểm tiền gửi.

Việc thành lập liên minh ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp cải tổ sâu rộng hệ thống tài chính ở châu Âu.

Việc thành lập liên minh ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp cải tổ sâu rộng
hệ thống tài chính ở châu Âu.

Các nước châu Âu đồng ý sẽ thành lập một quỹ dự phòng chung trị giá 55 tỷ EUR trong vòng 8 năm, nhanh hơn kế hoạch nhưng chậm hơn nhiều so với ECB kỳ vọng. Dù vậy, các chính phủ khu vực đồng EUR sẽ không hợp sức để giúp việc huy động tài chính rẻ hơn và dễ dàng hơn.

18 nước khu vực đồng EUR sẽ không cùng chịu phí tổn chung cho một ngân hàng riêng lẻ bị thất bại - nguyên lý trung tâm của kế hoạch ban đầu trong việc thành lập liên minh ngân hàng.

Việc thông qua luật mới đánh dấu sự thành công của Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, với nhiều người, châu Âu đã hành động quá chậm chạp. Jamie Dimon, CEO của JP Morgan Chase, cho rằng các ngân hàng châu Âu hồi phục quá chậm so với các ngân hàng Hoa Kỳ. Một số nhà làm luật cũng chỉ trích EU có quá ít cải tổ, đặc biệt trong vấn đề đối phó với sự thất bại của các ngân hàng lớn.

“Tình trạng ngân hàng quá lớn nên không để sụp đổ là quá nguy hiểm. Nếu các định chế tài chính lớn vẫn được tồn tại dù bất cứ giá nào, người nộp thuế sẽ phải tiếp tục trả tiền cho những hành động điên rồ của một ngành công nghiệp nổi tiếng tham lam” - Philippe Lamberts, một nhà làm luật của đảng Xanh, nhận định.

Các tin khác