Cáo buộc Apple trốn thuế: Apple “nghĩ khác”

Câu slogan "Think different" (nghĩ khác) của Apple có thể được hiểu theo cách khác, sau khi Apple bị cáo buộc đã chẳng đóng 1 xu tiền thuế nào cho tổng cộng 102 tỷ USD doanh thu ở nước ngoài trong nhiều năm qua, nhưng CEO Tim Cook vẫn dõng dạc trong phiên điều trần trước quốc hội: "Từng USD lẻ của Apple đều đã đóng thuế". Vậy đâu là sự thật?

Câu slogan "Think different" (nghĩ khác) của Apple có thể được hiểu theo cách khác, sau khi Apple bị cáo buộc đã chẳng đóng 1 xu tiền thuế nào cho tổng cộng 102 tỷ USD doanh thu ở nước ngoài trong nhiều năm qua, nhưng CEO Tim Cook vẫn dõng dạc trong phiên điều trần trước quốc hội: "Từng USD lẻ của Apple đều đã đóng thuế". Vậy đâu là sự thật?

Cáo buộc

Báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ cáo buộc Apple đã thành lập hàng loạt "công ty ma" ở nước ngoài để né thuế, điển hình là Apple Operations International (AOI) ở Ireland. Từ năm 2009-2012, AOI báo cáo doanh thu ròng 30 tỷ USD, nhưng chưa từng đóng thuế ở Ireland, Hoa Kỳ hay bất kỳ nước nào trong suốt 5 năm.

Tương tự là trường hợp Công ty Apples Sales International (ASI) cũng ở Ireland, đã đem về khoảng 74 tỷ USD lợi nhuận, nhưng "đóng rất ít hoặc không đóng thuế". Bình quân, Apple đã né được khoản 10 tỷ USD tiền thuế mỗi năm ở Hoa Kỳ nhờ những chiêu trò này.

Trong phiên chất vấn của quốc hội ngày 21-5, thượng nghị sĩ Carl Levin, Chủ tịch Ủy ban điều tra Thượng viện, nói: "Apple đã chuyển hàng tỷ USD lợi nhuận ra nước ngoài và sử dụng một tiến trình phức tạp để tránh đóng số thuế mà lẽ ra họ phải đóng".

Theo luật thuế Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ kinh doanh ở nước ngoài phải đóng thuế 35% nếu có lợi nhuận. Theo lý giải của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ dù kinh doanh ở nước ngoài nhưng hầu hết nhân sự chủ chốt của họ là người Hoa Kỳ, đã hưởng những đãi ngộ về y tế, giáo dục, phúc lợi của chính phủ, vì vậy phải có nghĩa vụ "đền đáp".

Tuy nhiên, luật này của Hoa Kỳ có một kẽ hở lớn và đã bị nhiều công ty lợi dụng: các công ty chỉ phải đóng thuế đối với lợi nhuận sản sinh ở nước ngoài một khi họ chuyển lợi nhuận đó về Hoa Kỳ, nhưng lại không đặt thời hạn bắt buộc các công ty phải chuyển lợi nhuận về.

Những thủ thuật

Chiến lược né thuế chính của Apple khá đơn giản: lập công ty ở Ireland để né thuế ở Hoa Kỳ; báo cáo với chính quyền Ireland rằng công ty được vận hành từ trụ sở của Apple ở Cupertino, California (Hoa Kỳ) để khỏi phải đóng thuế ở Ireland.

Điều này dựa trên một kẽ hở: Trong khi Hoa Kỳ thu thuế dựa trên nơi đặt công ty, Ireland lại thu thuế dựa trên nơi nó được điều hành. Thực tế, hầu hết hoạt động ở nước ngoài của Apple trên danh nghĩa đều được điều hành bởi AOI, nhưng công ty này chẳng có nhân viên. Bằng cách này, Apple hầu như không phải đóng 1 xu tiền thuế ở bất kỳ đâu.

Scandal né thuế của Apple đang khiến người ta "nghĩ khác".

Scandal né thuế của Apple đang khiến người ta "nghĩ khác".

Nhưng lợi nhuận của Apple làm ra ở Hoa Kỳ cũng bị chuyển sang Ireland, bằng thủ thuật chuyển giá. Apple đã thiết lập một thỏa thuận chia sẻ chi phí với các công ty con ở Ireland.

Theo đó, các công ty ở Ireland có thể hưởng một phần lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple ở Hoa Kỳ. Từ 2009-2012, Apple phân bổ 4 tỷ USD chi phí R&D cho đơn vị ở Hoa Kỳ, với 38,7 tỷ USD lợi nhuận, trong khi chi nhánh ở Ireland được phân bổ 4,9 tỷ USD chi phí R&D và 74 tỷ USD lợi nhuận.

Một thủ thuật khác của Apple là để hầu hết 102 tỷ USD "tài sản nước ngoài" của họ trong chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng Hoa Kỳ, để dễ dàng sử dụng chúng. Số tiền này được đặt dưới sự quản lý của Braeburn Capital, một công ty tài chính của Apple ở Nevada (Hoa Kỳ).

Apple cũng dùng một thủ thuật phổ biến để né thuế của các công ty đa quốc gia, gọi là "check-the-box" (tạm dịch: kiểm tra hộp). Thủ thuật này khiến các chính phủ hoàn toàn bỏ qua những chi nhánh nước ngoài của các công ty con.

Trong trường hợp của Apple, chi nhánh AOI ở Ireland chịu trách nhiệm đối với toàn bộ mạng lưới chi nhánh toàn cầu. Điều này cho phép công ty né được 12,5 tỷ USD tiền thuế doanh thu nước ngoài lẽ ra phải đóng trong năm ngoái.

Các tin khác