Căng thẳng trên thị trường thiết bị y tế gần 600 tỷ USD

dịch'Chính phủ nhiều nước đang tìm cách kiểm soát các nguồn cung thiết bị y tế thiết yếu và cấm xuất khẩu thiết bị y tế.
Khẩu trang bảo hộ - mặt hàng khan hiếm thời dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Getty Images
Khẩu trang bảo hộ - mặt hàng khan hiếm thời dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Bloomberg, Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói kinh nghiệm chung trong chống dịch COVID-19 có thể đưa tới kỷ nguyên đoàn kết mới. Vậy nhưng có ít dấu hiệu cho thấy khủng hoảng lần này đưa các nước xích lại gần nhau.

Từ Ấn Độ cho tới châu Âu và Mỹ, các chính quyền đang tìm mọi cách nắm giữ bằng được khẩu trang, máy thở, găng tay và thuốc chữa bệnh. Các nước áp đặt các quy định hạn chế xuất khẩu, làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, thực thi các biện pháp phòng vệ để ngăn chặn bệnh dịch là điều có thể hiểu được, nhưng một số biện pháp có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến dòng lưu thông đồ dùng, thiết bị y tế thiết yếu ở khắp các vùng lãnh thổ. 

Thực trạng này cho thấy một thực tế là hành động của các quốc gia đơn lẻ có thể làm tổn hại nguồn cung y tế trong thương mại toàn cầu. Ấn Độ đã làm Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận hồi cuối tuần qua, khi New Delhi ban hành lệnh cấm xuất khẩu thuốc hydroxychloroquine – thuốc trị sốt rét được Tổng thống Mỹ coi là có công dụng hàng đầu trong điều trị COVID-19.

Ngày 4/4, Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi, đề nghị dỡ phong tỏa lô hàng mà phía Mỹ đã đặt mua. Là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm thuốc gốc, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu nhiều sản phẩm thuốc và nguyên liệu bào chế thuốc để đối phó với khủng hoảng trong nước. 

Theo Giáo sư Simon Evenett chuyên ngành kinh tế-thương mại tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ, cho đến nay đã có 91 lệnh cấm xuất khẩu, trong đó phần lớn được thực thi vào tháng 3 khi tâm dịch chuyển từ châu Âu sang Mỹ. Điều đó đã gây ra những rạn nứt toàn cầu.

Giới chức Đức, Pháp đã chỉ trích Mỹ về các hành vi cạnh tranh không công bằng trong các hợp đồng mua đồ bảo hộ y tế. Tây Ban Nha mới đây cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ chặn một lô hàng khẩu trang bảo hộ được hai công ty của Tây Ban Nha đặt mua từ một đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tình trạng căng thẳng trên ảnh hưởng đến thị trường thiết bị y tế trị giá 597 tỷ USD tính theo thời điểm năm 2019. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là không phải tất cả các nước đều làm chủ sản xuất các đồ dùng thiết yếu như xà bông, nước sát khuẩn, kim tiêm, kính bảo hộ… Đơn cử, Trung Quốc, Đức và Mỹ chiếm đến 40% lượng xuất khẩu thế giới về các sản phẩm bảo hộ cá nhân; Trung Quốc là nước xuất khẩu khẩu trang lớn nhất thế giới, chiếm 25% thị phần. 

Để khơi thông dòng nhập khẩu, Hội đồng châu Âu (EC) ngày 3/4 đã bãi thuế nhập khẩu và thuế VAT với các thiết bị, đồ bảo hộ y tế tới cuối tháng 7. Động thái này giúp giảm giá khẩu trang ở Italy xuống 1/3. EC cũng hướng đến việc mua sắm chung đối với các mặt hàng này, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong khối.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và ông Thierry Breton, quan chức châu Âu phụ trách thị trường nội khối EU đã có các buổi làm việc với đại diện ngành sản xuất thiết bị y tế, thống nhất nâng sản lượng dựa trên năng lực sẵn có thay vì đẩy các ngành ô tô, vũ trũ mở rộng sản xuất những mặt hàng này.

Điều này đối lập hẳn với Mỹ, nước nhập khẩu sản phẩm y tế lớn nhất thế giới trong 3 năm trở lại đây. Mỹ đã hướng các tập đoàn ô tô như General Motors và Ford vào sản xuất máy thở. 

Ngày 3/4, Tổng thống Trump tuyên bố kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, cấm xuất khẩu các mặt hàng y tế thiết yếu, trong đó có khẩu trang bảo vệ chuyên dụng, khẩu trang y tế, găng tay và đồ bảo hộ cá nhân với lý do “nước Mỹ cần những mặt hàng này tức thời”.

Động thái này đã đi ngược lại đồng thuận đạt được tại hội nghị trực tuyến G-20 hôm 26/3. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo G-20 cam kết hợp tác để bảo đảm dòng lưu chuyển cung ứng các đồ dùng y tế, sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác xuyên biên giới. 

Các tin khác