Bước đi trước ngày “Siêu thứ ba”

(ĐTTCO) - Chính phủ Mỹ vừa quyết định ngừng cấp 8 tỷ USD ngân sách y tế cho bang New York. Đây là khoản ngân sách được cấp cho New York kể từ năm 2014 nhằm giúp tiểu bang này chuyển đổi từ một hệ thống y tế chủ yếu dựa vào bệnh viện thành một hệ thống dựa vào cộng đồng hiệu quả hơn.
Bước đi trước ngày “Siêu thứ ba”

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, với việc không còn được cấp khoản ngân sách này, trước mắt New York sẽ phải chi thêm khoảng 600 triệu USD riêng trong năm 2020 và việc thiếu hụt ngân sách y tế cũng sẽ ảnh hưởng tới chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo, thường được gọi là Medicaid.

Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi các ứng cử viên của đảng Dân chủ, ngày 26-2, bắt đầu cuộc tranh luận thứ 10 tại bang Nam Carolina, trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu vào ngày 29-2 tới.

Đây cũng là vòng tranh luận cuối cùng diễn ra một tuần trước ngày bầu cử quan trọng “Siêu thứ ba” (ngày 3-3) khi 15 bang khác của Mỹ đồng loạt bầu cử với hơn 30% số đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ để chọn đại diện chính thức cho đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11.

Quyết định này cũng được thông qua chỉ 2 tuần sau khi bang New York, ngày 10-2, khởi kiện chính phủ của Tổng thống Donald Trump tại tòa án liên bang ở quận Manhattan, liên quan đến quyết định Bộ An ninh nội địa Mỹ một tuần trước đó cấm các công dân của tiểu bang không được tham gia Chương trình Nhập cảnh toàn cầu (cho phép người du lịch làm thủ tục an ninh và sân bay nhanh trong vòng 5 năm sau khi được kiểm tra thông tin cá nhân kỹ chỉ một lần duy nhất).

Các chính sách y tế, cả Medicaid và Medicare, đều là mục tiêu siết chặt của Tổng thống Donald Trump trong các chương trình an sinh xã hội. Medicare là chương trình bảo hiểm y tế quốc gia, bắt đầu được thực hiện vào năm 1966. Trước đó, đảng Dân chủ đã chỉ trích các điều khoản đề xuất ngân sách năm 2020 của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là đề xuất giảm chi tiêu lên tới hàng trăm tỷ USD cho Medicare trong thập niên tới.

Theo báo New York Times, trái với nhiều sự chỉ trích, các nhà phân tích cho rằng một số khoản cắt giảm đối với Medicare thực sự có lợi. Trước đây, chính phủ của cựu Tổng thống Obama cũng đã từng có các chính sách cắt giảm chi tiêu, nhưng không quyết liệt bằng chính phủ của Tổng thống Donald Trump. Nhất là đối với việc các bệnh viện công đã lạm dụng bằng cách mua lại các phòng khám tư nhân và trục lợi từ khoản chênh lệch do chính sách của Medicare.

Sự nhìn nhận lại một số mặt tích cực này ngày càng phổ biến hơn trong dư luận sau khi những thành tựu kinh tế của Tổng thống Donald Trump cho thấy phần lớn xuất phát từ những chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, siết chặt tình trạng nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm các quy định lãng phí của hệ thống an sinh xã hội, y tế…

Động thái mới nhất của chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ buộc các ứng cử viên đảng Dân chủ nỗ lực tập trung thể hiện mạnh mẽ quan điểm chính sách của mình về một loạt vấn đề như sức khỏe, bảo hiểm y tế, giá thuốc, nhập cư, giáo dục… nhằm có thêm lá phiếu cử tri.

Đây cũng là cơ hội để một lần nữa, ứng cử viên đảng Cộng hòa, ông chủ Nhà Trắng, nhìn được nỗ lực phản công của phe Dân chủ, trước khi bước vào ngày “Siêu thứ ba”.

Các tin khác