Raoul Weil - Cá lớn trốn thuế

Tuần trước, Raoul Weil (ảnh), một cựu giám đốc quản lý tài sản của UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã phải ra trước một tòa án ở Italia với cáo buộc giúp các công dân Hoa Kỳ che giấu hàng tỷ USD tiền thuế trong giai đoạn 2002-2007.

Ông là “con cá” lớn nhất bị sa lưới kể từ năm 2008, khi Hoa Kỳ triển khai chiến dịch trấn áp các công dân trốn thuế và những người hỗ trợ họ.

Từ tháng 1-2009, Weil bị Hoa Kỳ phát lệnh truy nã quốc tế sau khi không xuất hiện tại một phiên tòa ở Florida. Ngày 19-10, ông đã để lộ tung tích khi làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn ở Bologna, Italia, trong lúc đang đi nghỉ mát cùng vợ. Tên của ông vốn đã nằm trong danh sách truy nã quốc tế của cảnh sát các nước, nên ông bị bắt ngay lập tức sau đó.

Nhà ngân hàng người Thụy Sĩ này bị cáo buộc đã giúp khoảng 20.000 người Hoa Kỳ che giấu 20 tỷ USD tài sản trong các tài khoản nước ngoài. Tạm thời ông Weil vẫn bị giam giữ cho đến khi Bộ Tư pháp Italia quyết định sẽ làm gì kế tiếp với ông. Việc ông ra trước tòa vào tuần trước được xem là một tiến trình có thể khiến ông bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, nước đã có thỏa thuận dẫn độ với Italia.

Dù bị tòa án Hoa Kỳ phát lệnh truy nã từ năm 2009, Weil vẫn làm trong ngành quản lý tài sản ở Thụy Sĩ, cụ thể là cho Reuss Private Group kể từ năm 2010. Reuss hiện đang quản lý 3,2 tỷ USD tài sản và làm việc với 2.000 nhà cung cấp dịch vụ tài chính độc lập. Lúc đầu Weil được chỉ định làm cố vấn của Reuss, và năm nay được đề xuất lên làm Giám đốc điều hành của công ty này. Nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ và bị kết tội, Weil có thể bị phạt 5 năm tù kèm 250.000USD tiền phạt.

Kể từ năm 2008, chiến dịch trấn áp trốn thuế của Hoa Kỳ diễn ra theo 2 hướng: đầu tiên là kết tội và bắt giữ các nhà ngân hàng và luật sư đã trợ giúp các cá nhân trốn thuế; thứ hai là theo sau chính các ngân hàng, dùng những thông tin khai thác được từ những nhà ngân hàng và luật sư bị bắt giữ.

Năm 2009, UBS bị phạt 780 triệu USD và phải giao dữ liệu của hàng ngàn khách hàng cho nhà chức trách Hoa Kỳ để tránh bị cáo buộc hình sự. Khoảng hơn chục ngân hàng khác, trong đó có Credit Suisse, Julius Bär và các chi nhánh tại Thụy Sĩ của nhiều ngân hàng nước ngoài, cũng đang bị điều tra.

Hầu hết trong khoảng 280 ngân hàng Thụy Sĩ có khả năng làm sạch “lý lịch” theo thỏa thuận công bố giữa Thụy Sĩ và Hoa Kỳ gần đây, nếu họ chịu nộp phạt hơn 50% số dư tài khoản khách hàng trốn thuế. Wegelin, ngân hàng tư lâu đời nhất Thụy Sĩ, đã đóng cửa sau khi bị điều tra. Một công ty quản lý tài sản khác, Bank Frey, gần đây cũng cho biết sẽ ngưng hoạt động vì muốn tránh các truy tố.

Các tin khác