Na Uy: đường hầm vượt biển tỷ USD

(ĐTTCO) - Na Uy nổi tiếng với đặc trưng địa hình là những dãy núi cao dựng đứng sát biển, những sông băng hùng vĩ và những vịnh biển ăn sâu vào đất liền. Tuy nhiên, cũng chính địa hình gồ ghề và hiểm trở này cũng gây ra những trở ngại trong giao thông vận tải ở Na Uy. 
Na Uy: đường hầm vượt biển tỷ USD
Vì thế, chính phủ nước này đã lên kế hoạch để cắt giảm thời gian di chuyển từ miền Nam đến phía Bắc bằng một dự án đường hầm vượt biển có tổng kinh phí lên đến 40 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2050.
Theo thống kê, để di chuyển từ thành phố Kristiansand ở miền Nam người dân Na Uy phải mất ít nhất 21 giờ chạy xe và 7 chuyến phà vượt qua 1.100km mới đến được thành phố Trondheim ở phía Bắc. Kế hoạch xây dựng đường hầm vượt biển bao gồm nhiều hạng mục khác như cầu vượt biển, hầm vượt biển sâu nhất, hầm đường bộ xuyên các chân núi đá nằm dưới đáy biển dài nhất trên thế giới.
Công trình này ước tính sẽ xuyên qua 392m độ sâu của các thành phần địa chất núi đá dưới đáy biển và kéo dài đến 27km. Nhưng yếu tố được chú trọng nhiều nhất của công trình này chính là sự phát triển trong kỹ thuật thi công hầm nổi nằm sâu 30m dưới bề mặt nước biển. Nếu dự án này thành công vào năm 2050, Na Uy sẽ là quốc gia dẫn đầu trong cuộc chạy đua hầm vượt biển trên thế giới, khi mà các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Italia vẫn đang trong quá trình nghiên cứu về dự án hầm vượt biển tại nước mình.
Theo bà Kjersti Kvalheim Dunham, quản lý chính của dự án đường hầm vượt biển, tuyến đường đi từ Kristiansand đến Trondheim là một trong những tuyến giao thông huyết mạch và quan trọng nhất của Na Uy, một phần của dự án E39. Bà còn cho biết thêm: “E39 là tổ hợp các công trình bao gồm đường cao tốc, đường bộ và phà, E39 chạy dọc theo bờ biển phía Tây Nam Na Uy và là tuyến giao thông huyết mạch và trọng điểm của Na Uy, hơn 50% hàng hóa xuất khẩu của quốc gia có nguồn gốc từ khu vực này. Vì vậy, tuyến đường hầm vượt biển là một dự án cấp thiết và tiên quyết không chỉ giúp phát triển ngành thương mại của quốc gia mà còn kích thích sự tăng trưởng tại các khu vực lân cận”.
Theo kỹ sư trưởng của công trình Ariana Minoretti: “Nguy cơ lớn nhất của dự án này là những sự cố bên trong đường hầm như cháy nổ, hỏa hoạn hay quá tải đường hầm và chúng tôi đang có những cuộc thử nghiệm cần thiết để đưa ra các phương án để giải quyết tối ưu nhất các sự cố này”.
Cơ quan quản lý đường bộ công cộng Na Uy đang làm việc với Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc nâng cao của Đại học Công nghệ và Khoa học Na Uy, thử nghiệm các vụ nổ trên thực tế để xem xét về mức độ phản ứng của kết cấu bê tông của đường hầm khi một vụ nổ xảy ra bên trong đường hầm.
Cuộc thử nghiệm sẽ giúp biết được mức độ chịu đựng được của đường hầm khi giả sử có một vụ nổ từ một phương tiện vận chuyển vật liệu dễ phát nổ từ bên trong đường hầm. Kỹ sư trưởng Minoretti chia sẻ: “Khi dự án này hoàn thành, nó sẽ là một địa điểm thu hút hầu hết khách du lịch trên thế giới đến trải nghiệm đường hầm vượt biển đầu tiên trên thế giới”. 

Các tin khác