Xử lý nợ xấu còn nhiều “điểm nghẽn”

(ĐTTCO) - Ngày 30-9, tại Hà Nội, diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách” đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) tổ chức.
Xử lý nợ xấu còn nhiều “điểm nghẽn”
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Nghị quyết 42 là văn bản có giá trị pháp lí rất quan trọng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lí nợ xấu. Sau 3 năm kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ 15-8-2017), kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó (2013 - 2017), thu hồi nợ từ biện pháp xử lí tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5 lần. 
Cùng với đó, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lí một bước quan trọng. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành. Toàn ngành ngân hàng phấn đấu cuối năm 2020 đưa nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn về dưới mức 3%. Tình trạng sở hữu chéo chi phối của các ông chủ ngân hàng đã được NHNN nhận diện và khắc phục, đưa ra những qui định rất nghiêm khắc, hạn chế những hoạt động đầu tư, cho vay sân sau tiềm ẩn rủi ro.
Tuy nhiên, theo đại diện các tổ chức tín dụng, mặc dù những con số thu hồi nợ xấu có cải thiện song vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đang cản trở quá trình xử lí nợ xấu của các ngân hàng hiện nay. 
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO thì có 3 nội dung quan trọng hỗ trợ cho việc xử lí nợ xấu là quyền thu giữ tài sản thế chấp của tổ chức tín dụng, việc xử lí nợ xấu và tài sản đảm bảo theo thủ tục rút gọn và việc mua bán nợ xấu. Thực tế hiện nay mới chỉ có nội dung đầu tiên được áp dụng, hai nội dung còn lại gần như không có chuyển biến gì.
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có vụ nào được xử lí theo thủ tục rút gọn và thị trường mua bán nợ thật sự hầu như chưa diễn ra trên thực tế. Do đó, cần tiếp tục sửa Nghị quyết 42, sửa luật để tháo gỡ những vướng mắc này, thúc đẩy quá trình xử lí nợ xấu.
Nhận xét về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lí nợ xấu trong giai đoạn 2021 - 2025, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, để giải quyết vướng mắc trong vấn đề xử lí nợ xấu hiện nay, cần có sự đồng hành quyết liệt hơn từ các bộ, ban ngành, đẩy mạnh việc cho vay tái cấp vốn từ NHNN và điều chỉnh việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 ở mức độ phù hợp. 
Theo TS Cấn Văn Lực, việc đề xuất thời gian giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 là hết 2021, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 có thể được kiểm soát tốt hơn, tiềm lực của ngân hàng và doanh nghiệp cũng được nâng cao.
Nhưng NHNN cần phải tính toán thời điểm phù hợp nên ở dừng ở mức nào có thể chấp nhận được, bởi nếu duy trì mức cho phép giãn và hoãn nợ lâu quá thì sẽ thiếu tính thực chất, bền vững, trong khi nếu ngắn quá có thể là cú sốc đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. 
Về giải pháp lâu dài, cần luật hóa Nghị quyết 42 trở thành một bộ luật xử lý nợ xấu để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cần phải có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa vì điều này sẽ giúp tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ và hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển.

Các tin khác