VietABank đang dần mất thương hiệu

(ĐTTCO)-Khoảng 10 năm trước, VietABank là NH có tên tuổi trên thị trường. Thời điểm đó, giá cổ phiếu của NH này rất cao so mệnh giá. Nhưng kể từ năm 2011 đến nay, hoạt động kinh doanh ngày càng mờ nhạt, giá cổ phiếu xuống mức 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu. Trong 9 tháng năm nay, nhà băng cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc khi giảm sút trong nhiều mảng kinh doanh.
Khách hàng đang giao dịch tại VietABank.
Khách hàng đang giao dịch tại VietABank.
Kinh doanh liên tục sụt giảm
Theo BCTC quý III-2019 vừa công bố, 9 tháng qua, VietABank ghi nhận sự sụt giảm về kết quả hoạt động nhiều mảng kinh doanh. Riêng mảng kinh doanh chính là tín dụng, thu nhập lãi thuần đạt 336,6 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ 2018. Lãi từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán ở mức rất thấp, dưới 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động dịch vụ lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank giảm hơn 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 196 tỷ đồng. 
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của VietABank giảm 12,5%, ở mức 788 tỷ đồng; dịch vụ lỗ gần 8,6 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 5,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái; mua bán chứng khoán kinh doanh và kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 15% và 63% so cùng kỳ 2018. Lãi từ mảng chứng khoán đầu tư hơn 1 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 272% lên mức gần 35 tỷ đồng.
Dù vậy, VietABank đã cắt giảm dự phòng mạnh trong các quý của năm 2019. Do đó, lợi nhuận thuần giảm nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng.
Cụ thể trong quý III, với chi phí dự phòng giảm mạnh xuống còn 125,9 tỷ đồng (quý III-2018 là 195,4 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 53,2%, lên mức 70 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh (24,1%) nhưng chi phí dự phòng được cắt giảm 133,7 tỷ đồng (tương đương giảm 37,3%), nên lợi nhuận trước thuế của NH vẫn tăng 10%, đạt 152,4 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, tổng tài sản VietABank tăng 1,9% so với đầu năm lên 72.680 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8%, đạt 42.768 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 10,2%, đạt 45.589 tỷ đồng.
Năm 2019, VietABank dự kiến mục tiêu tổng tài sản 75.652 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư 49.364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 281 tỷ đồng. Mặc dù đã cắt giảm dự phòng rủi ro để kéo lợi nhuận, song kết quả hoạt động 9 tháng khá ảm đạm so với năm trước, khiến lợi nhuận 9 tháng mới đạt 54% kế hoạch. Theo đó, việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận còn lại trong 3 tháng cuối được dự báo đầy khó khăn. 
Trong BCTC quý III-2019, VietABank tiếp tục không công bố thuyết minh, dẫn đến sự mù mờ về chỉ số tài chính cũng như tình hình nợ xấu của NH. Hiện VietABank là 1 trong 18 NH đang nằm trong danh sách kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thương hiệu dần mất
 Trong bối cảnh hàng loạt NHTMCP lớn mạnh về vốn, phát triển mạng lưới rộng khắp, đầu tư dịch vụ hiện đại, thì với cơ cấu cổ đông nhiều năm không thay đổi, tình hình hoạt động bết bát, VietABank đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
VietABank thành lập năm 2003 trên cơ sở hợp nhất 2 TCTD là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và NHTMCP Nông thôn Đà Nẵng, với vốn điều lệ ban đầu hơn 76 tỷ đồng. Đến năm 2010, VietABank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và năm 2015 tăng lên hơn 3.499 tỷ đồng.
Từ giữa năm 2011 đến nay, ông Phương Hữu Việt, từ Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đã giữ ghế Chủ tịch HĐQT VietABank, với tỷ lệ sở hữu cá nhân 4,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 10,85%.
Bà Phương Thanh Nhung (cháu gái ông Việt) từng là Tổng giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu hơn 4% vốn, và chồng là ông Trần Việt Anh nắm 2,15% cổ phần VietABank.
Sau khi nhóm ông Phương Hữu Việt trở thành cổ đông lớn, VietABank đã dính vào vụ lùm xùm liên quan đến việc nhóm cổ đông lớn cầm cố và chuyển nhượng cổ phần VietABank cho nhiều TCTD dù chưa hoàn thành quá trình mua bán cổ phần với VietABank.
Sau giai đoạn đó, việc tăng vốn trở nên khó khăn với NH này. 2018 là năm thứ 3 liên tiếp VietABank đặt kế hoạch tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng. Tránh thất bại như trong 2 năm 2016 và 2017, NH đã đưa ra 2 phương án: hoặc phát hành 35 triệu cổ phiếu trả cổ tức 10% và phát hành riêng lẻ 35 triệu cổ phần cho nhà đầu tư; hoặc phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho nhà đầu tư. Nhưng cho đến thời điểm này, vốn điều lệ của NH vẫn dậm chân tại chỗ với mức 3.500 tỷ đồng.
Nhắc đến VietABank, trong tiềm thức của giới đầu tư đây là thương hiệu một thời có trụ sở TPHCM và cũng là nhà băng khá quyết tâm trong hoạt động kinh doanh vàng giai đoạn 2012-2013.
Vào năm 2013, VietABank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Vàng Phước Sơn, kèm theo đó là hợp đồng tín dụng có hạn mức 18 triệu USD. Song biến động của thị trường vàng giai đoạn này dẫn đến Vàng Phước Sơn thua lỗ và đình chỉ hoạt động vào năm 2014. Theo đó, VietABank cũng ghi nhận các khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng từ kinh doanh vàng và ngoại hối.
Từ đầu năm 2015, VietABank chính thức chuyển trụ sở từ TPHCM ra Hà Nội, tên tuổi của NH này ngày càng mờ nhạt trên thị trường. Điểm nổi bật duy nhất hiện nay là nhà băng này thường xuyên được nhắc đến nhóm các NHTMCP nhỏ luôn tung ra các chương trình huy động lãi suất cao.
Hồi tháng 4, NH này đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng với lãi suất lên đến 9,1%/năm. Tháng 6, VietABank tung ra chương trình khuyến mại gửi tiết kiệm lãi suất 8,8%/năm kỳ hạn 15 tháng và 9%/năm kỳ hạn 16 tháng.
Với những diễn biến hoạt động như trên, tình hình giá cổ phiếu của NH cũng dần tuột dốc. Năm 2009-2010, cổ phiếu VietABank trên sàn OTC từng ở mức hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, đến năm 2011 bắt đầu đi xuống và chỉ còn 3.500 đồng/cổ phiếu vào các năm 2015-2017.
Giữa năm 2017 đến 2018, thị trường chứng khoán bật tăng trở lại, giá cổ phiếu NH này cũng chỉ được chào ở mức cao nhất 6.000 đồng và thời điểm hiện tại trên sàn OTC được chào mua với giá hơn 2.000 đồng/cổ phiếu. Từ năm 2016 đến nay, NH này liên tục không chia cổ tức cho cổ đông. 

Các tin khác