Vì sao ngân hàng rầm rộ miễn phí giao dịch trực tuyến giữa dịch Covid?

(ĐTTCO) – Trong quý I-2021, lượng giao dịch qua kênh interntet của các TCTD đã tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách giao dịch trực tuyến bằng việc miễn nhiều loại phí trên dịch vụ NH điện tử.

Các nhà băng tích cực mở rộng miễn nhiều loại phí trên NH điện tử còn vì chạy đua hút CASA.
Các nhà băng tích cực mở rộng miễn nhiều loại phí trên NH điện tử còn vì chạy đua hút CASA.

SHB đang có tính năng mở tài khoản số đẹp qua kênh qua SHB Internet Banking/Mobile Banking, và áp dụng miễn phí trọn đời hầu hết các loại phí giao dịch trên kênh này. Trong đó bao gồm phí chuyển khoản liên NH nhanh 24/7; phí chuyển khoản liên NH thường, phí dịch vụ SMS thông báo biến động tài khoản, phí quản lý gói tài khoản...

Từ nay đến 31-7-2021, khách hàng cá nhân của Sacombank đăng ký combo 4.0 cũng sẽ được miễn phí mọi giao dịch qua Sacombank eBanking, miễn phí chuyển tiền đến số tài khoản và thẻ nội địa trên Sacombank Pay… Đồng thời, khách có số dư bình quân tài khoản thanh toán từ 10 triệu đồng/tháng, sẽ được miễn phí sử dụng combo (50.000 đồng/tháng).

Chương trình miễn nhiều loại phí giao dịch trên dịch vụ NH điện tử đầu tiên xuất phát từ các NHTMCP. Techcombank là NH đi tiên phong với việc miễn phí chuyển tiền liên NH. Sau đó, hiệu ứng miễn phí chuyển tiền nhanh chóng có mặt tại các NH khác, có thể kể đến TPBank, VIB, VPBank, PVComBank, MB, SeABank, OCB… Hiện tại, các NHTM có vốn nhà nước cũng đã vào cuộc.

Mới đây, Agribank thông báo không thu phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống đối với các kênh Agribank E-Mobile Banking, ATM… Riêng những tổ chức có tài khoản thanh toán của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống NH, đối với các giao dịch tại máy ATM, các ứng dụng NH điện tử. 

Khách hàng sử dụng 4 gói tài khoản VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced cũng được miễn phí chuyển tiền VCB Digibank, với hạn mức giao dịch tối đa 3 tỷ đồng/ngày và nhiều loại phí khác.

BIDV đang chạy chương trình miễn phí thông qua dịch vụ B-Free gồm 5 loại gói: Basic, Classic, Gold, Diamond và Salary…

Số liệu của Vụ Thanh toán - NHNN cho biết, nhu cầu giao dịch qua kênh online có xu hướng tăng mạnh kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Trong quý I-2021, lượng giao dịch qua kênh interntet của các TCTD đã tăng 55,9%, giá trị giao dịch tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Giao dịch qua kênh điện thoại di động cũng tăng 78% về số lượng và 103% giá trị, tương ứng gần 400 triệu giao dịch, đạt khoảng 4,6 triệu tỷ đồng. Chính sách nói trên của các nhà băng được đánh giá một trong những cú hích quan trọng cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giữa bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến một mục đích không kém phần quan trọng, khi các nhà băng tích cực mở rộng dịch vụ miễn nhiều loại phí trên NH điện tử. Đó chính là để chạy đua hút CASA.

Trong quý I-2021, tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi của MB ở mức 37%. Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), MB đạt được con số này nhờ thành công của ứng dụng MB App trên điện thoại, và chương trình tài khoản số đẹp được triển khai từ quý II-2020. Lợi thế về CASA cùng môi trường lãi suất thấp giúp MBB tiếp tục nằm trong nhóm những NH có chi phí vốn thấp nhất hệ thống. 

CASA của Techcombank quý I cũng tăng 69% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CASA trong tổng tiền gửi đạt 43%, giữ vững vị thế là NH có tỷ lệ CASA cao nhất Việt Nam. Techcombank từng chia sẻ trước đó, cú hích để tỷ lệ CASA của NH này ở mức cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là khuyến khích thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến.

Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, việc NH miễn phí nhiều giao dịch trực tuyến trở thành mũi tên trúng nhiều đích: vừa hỗ trợ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế lây nhiễm trong giai đoạn dịch bùng phát, vừa nâng được tỷ lệ CASA - một tiền đề quan trọng để cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), vì nguồn vốn này có lãi suất chỉ khoảng 0,2-0,5%/năm.

Các tin khác