Vẫn có cách “lách” huy động lãi cao

(ĐTTCO)-Dù Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tuýt còi nhắc nhở, mặt bằng lãi suất hiện vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, do các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đua nhau tăng lên. Bởi lẽ, đối với họ vấn đề quan trọng lúc này phải huy động được vốn trung và dài hạn, để cân đối lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo yêu cầu của NHNN.
VietCapital Bank là một trong những ngân hàng huy động tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao.
VietCapital Bank là một trong những ngân hàng huy động tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao.
NHNN lên tiếng
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ đầu tháng 8 đã có khoảng 19 NHTW các nước hạ lãi suất cơ bản. Hành động của các NHTW trên thế giới nhằm đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua. Không loại trừ danh sách các nước cắt giảm lãi suất sẽ còn tăng lên và mức cắt giảm lãi suất sẽ sâu hơn, nhiều lần hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khi đó, lãi suất tại Việt Nam vẫn tiếp tục đi ngược xu hướng trên. Theo dữ liệu của trang Trading Economics, trong 65 nền kinh tế có quy mô lớn 100 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 15 các nước có lãi suất chính sách cao, và nằm trong nhóm 10 quốc gia có lãi suất thực (mức chênh lệch giữa lạm phát và lãi suất danh nghĩa) cao nhất thế giới.
Sau khi FED tuyên bố giảm lãi suất, lãi suất chính sách cũng không thay đổi, chỉ các NHTM có vốn nhà nước điều chỉnh giảm 0,5-1% lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng việc giảm lãi suất cho vay này chưa thể tạo ra đợt giảm lãi suất chung trong hệ thống NH. 
Khi chưa có thêm NH nào công bố sẽ hạ lãi vay, ở chiều huy động các NH vẫn tiếp tục cạnh tranh hút vốn khi tăng lãi suất tiền gửi. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ tăng dần và mức lãi suất 8-8,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ngày càng được nhiều NH áp dụng.
Cuộc đua lãi suất huy động cũng đã buộc NHNN phải lên tiếng. Cụ thể, khi đỉnh điểm lãi suất 10,2%/năm xuất hiện trong sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của Viet Capital Bank những ngày cuối tháng 8, NHNN đã có văn bản nhắc nhở, cảnh báo các tổ chức tín dụng (TCTD) về việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi.
Văn bản của NHNN nêu việc tăng lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống NH, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các TCTD, gây bất ổn thị trường tiền tệ. 
NHNN khẳng định các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, tín dụng sẽ xử lý nghiêm, trong đó bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD vi phạm.
Tìm cách né, giữ lãi suất cao
  Những NH đẩy lãi suất lên cao chủ yếu muốn huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Chỉ khi nào họ có đủ nguồn vốn này, mặt bằng lãi suất mới có thể hạ nhiệt.
TS. Bùi Quang Tín,
Trường Đại học NH
Sau động thái của NHNN, theo khảo sát của ĐTTC, mặt bằng lãi suất vẫn không có nhiều thay đổi. Hiện có 14/30 NHTM vẫn đang giữ mức lãi suất cao nhất từ 8%/năm trở lên. Trên mặt bằng chung, các nhà băng đều có biểu lãi suất huy động vốn truyền thống với mặt bằng lãi suất khá thấp, nhưng bên cạnh đó vẫn lách với hàng loạt sản phẩm tiết kiệm khác với lãi suất cao hơn. 
Đơn cử biểu lãi suất niêm yết chính thức của VietABank có mức lãi suất cao nhất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, trong các chương trình khuyến mại, VietABank áp dụng lãi suất đến 8,3%/năm cho kỳ hạn 7 tháng và 8,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn đến tại quầy, khách hàng còn được tư vấn gửi theo chương trình khuyến mại 15 tháng với lãi suất 8,95%/năm. 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng việc tăng lãi suất huy động 13 tháng là cách để giúp vốn trung hạn tăng lên, đối phó với yêu cầu của NHNN trong thời điểm này. Còn thực chất huy động phải từ 3 năm trở lên mới gọi là trung và dài hạn, ổn định, vì khi NH cho vay trung hạn không phải cho vay 1 năm.
Một hình thức khác để lãi suất niêm yết thấp nhưng lãi suất huy động thực vẫn cao là đưa ra chương trình khuyến mại cộng thêm lãi suất. Chẳng hạn các NHTMCP triển khai chương trình huy động số dư càng cao sẽ cộng thêm lãi càng nhiều hoặc tặng thêm lãi suất theo số tuổi, cộng 0,5-0,7%/năm cho kỳ gửi tiền đầu tiên của sổ tiết kiệm…
Thực tế, các NH đang rất cần tăng nguồn vốn trung và dài hạn để cải thiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và cạnh tranh thu hút vốn với kênh trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, kéo giảm mặt bằng lãi suất vẫn là vấn đề khó khăn.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng Quyết định 2713/2014, của NHNN quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014 chỉ nêu mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Trong khi đó, các NH hiện cũng chỉ áp dụng lãi suất cao với các hình thức huy động trên 6 tháng hoặc chứng chỉ tiền gửi, không vi phạm quy định này. 
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Khoản 2 Điều 9 của Luật các TCTD quy định nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, hiện cũng không quy định về mức lãi suất bao nhiêu trở thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên cũng chưa có cơ sở cụ thể để xử phạt NH. 

Các tin khác