Truyền giữ lịch sử qua tiền giấy

(ĐTTCO) - Xuyên suốt chiều dài lịch sử từ ngày Độc lập 2-9-1945 đến nay, tiền giấy Việt Nam đã nhiều lần thay đổi cả về hình thức, chất liệu, mệnh giá. Mỗi một lần thay đổi đều gắn với đặc điểm của giai đoạn lịch sử đó. Điều này đã thu hút thú sưu tập của nhiều người để ghi lại và truyền cho con cháu những câu chuyện hay, cũng như quá trình biến động của lịch sử được ẩn chứa trong các tờ tiền.

Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Nghị định phát hành tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và đến ngày 31-11-1946 giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một mặt in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt còn lại là hình ảnh Nông - Công - Binh.
Các mệnh giá được được viết bằng số Ả Rập hay chữ quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Campuchia, có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân khố trung ương. Giấy bạc này gọi là giấy bạc cụ Hồ, hay còn có tên là giấy bạc tài chính. Bắt đầu từ thời điểm này cho tới nay, tiền đồng đã được thay đổi 7 lần. 
Những thay đổi của tiền đồng Việt Nam đã tạo nên thú sưu tập của nhiều người. Anh
Nguyễn Trọng Khanh (ngụ quận Thủ Đức TPHCM), cho biết trong bộ sưu tập tiền, anh phân loại theo từng bộ, trong đó có bộ tiền giấy rơm (chất liệu làm bằng giấy được tạo ra từ rơm) thời kỳ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với nhiều hình ảnh về tăng gia sản xuất và cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng công nông binh.
Cụ thể, tờ tiền giấy 20 xu phát hành năm 1948 với mặt trước màu sắc nâu đậm in hình Bác Hồ, mặt sau nâu hồng in hình người chiến sĩ và người nông dân sát cánh chống quân xâm lược. Tờ 1 đồng mặt trước in chân dung Bác Hồ và số 1$, mặt sau in 2 phụ nữ cấy lúa với hoa văn thường. Tờ 10 đồng (năm 1948) mặt trước in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau in 1 phụ nữ bên hàng nông sản và 2 công nhân thợ rèn, có bóng chìm chữ Việt Nam giữa ngôi sao 5 cánh trong vòng tròn. Tờ 500 đồng (1949) với mặt trước là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 chiến sĩ cầm đuốc, mặt sau là hình ảnh hạ tàu giặc trên sông Lô…
Truyền giữ lịch sử qua tiền giấy ảnh 1 Phóng viên ĐTTC tham gia buổi offline của nhóm sưu tập tiền Biên Hòa 2. 
Anh Nguyễn Sỹ Đức, một thành viên của nhóm sưu tập tiền Biên Hòa, chia sẻ sưu tập tiền xưa là niềm đam mê. Mỗi tờ tiền phản ánh các giai đoạn lịch sử, ẩn sau những họa tiết, thiết kế đó có nhiều câu chuyện thú vị độc đáo. Thí dụ, người chơi phải tự tìm hiểu thông tin về người vẽ ra mẫu tiền, hoặc tìm những người từng hoạt động trong ngành ngân hàng các thời kỳ trước đây.
Những đồng tiền cũ được người chơi bảo quản bằng cách ép nilon hoặc gửi đến những tổ chức chấm điểm như tổ chức PMG (Mỹ). Khi chấm điểm, PMG sẽ ép phôi nilon cứng trên đó ghi điểm của đồng tiền với mức cao nhất 70 điểm. Cơ sở chấm điểm là chất lượng, giấy in, thời điểm phát hành, để đạt điểm cao cũng cần các yếu tố như không có vết ố, vân tay, nếp gấp, nếp nhăn… 
Anh Nho Quang Hùng, người đã có khoảng 10 năm sưu tập tiền xưa, cho biết ở TPHCM có người chuyên đi thu gom tiền để chấm điểm, và người sưu tập muốn chấm điểm những tờ tiền sẽ gửi qua trung gian đó. Mức 70 điểm rất khó đạt được, có những tờ tiền rất mới chưa qua sử dụng vẫn chưa được chấm điểm cao nhất. Hiện nay trên thế giới có khoảng 158 tờ tiền được chấm mức điểm tối đa này, Việt Nam sở hữu 2 tờ tiền đạt 70 điểm là tiền bằng polymer (đạt chất lượng tuyệt đối). Trong giới sưu tập, 2 tờ tiền này có giá trị rất cao. 
Theo anh Hùng, thú sưu tập các tờ tiền là cách để anh lưu giữ quá khứ, lưu giữ một phần lịch sử của thế hệ đi trước. Bởi nhìn vào những hình ảnh in trên những loại tiền xưa cũ ấy, có thể hiểu và cảm nhận được phần nào nét văn hóa, cuộc sống trong những giai đoạn đó. Việc giữ lại những đồng tiền xưa cũ cũng là cách để sau này cho con cháu biết được các thời điểm đã sử dụng tiền đó cũng như hiểu thêm về lịch sử. 
Để việc sưu tầm, lưu giữ tiền giấy qua các thời kỳ không chỉ đơn thuần là thú vui, những người chơi tiền giấy liên kết hội nhóm cả trong nước và nước ngoài. Họ chia sẻ những bộ sưu tập tiền giấy với nhau, tổ chức những buổi họp mặt để trao đổi, tìm hiểu, truyền cảm hứng cho nhau.
Họ còn tham gia Câu lạc bộ Unesco nghiên cứu - sưu tập tiền Việt Nam, qua đó quảng bá các loại tiền Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài có thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt. 
Theo anh Hùng, hiện nhóm sưu tập tiền Biên Hòa thường xuyên đưa thông tin lên mạng internet, tổ chức những cuộc trưng bày nhỏ, họp mặt để quảng bá hình ảnh của văn hóa Việt Nam qua những đồng tiền giấy.

Các tin khác