Cổ phiếu giá rẻ - Chọn mặt gởi tiền

Có quan điểm cho rằng, đầu tư vào CP “giá bèo” an toàn vì giá sẽ không thể xuống thấp hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, đầu tư vào những mã CP giá rẻ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, trường hợp DVD là điển hình.

Có quan điểm cho rằng, đầu tư vào CP “giá bèo” an toàn vì giá sẽ không thể xuống thấp hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, đầu tư vào những mã CP giá rẻ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, trường hợp DVD là điển hình.

Cẩn trọng với của rẻ

Mã VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa là CP có giá thấp nhất trên TTCK hiện nay, thời điểm thấp nhất chỉ có 600 đồng/CP. Sau khi chạm mức giá 600 đồng, VKP đã có đợt tăng kéo dài với mức tăng lên đến 100% khiến cho không ít NĐT tỏ ra tiếc nuối. Tuy nhiên, sau đợt sóng này, giá VKP lại “bổ nhào” xuống chỉ còn 700 đồng/CP.

Đến lúc này, NĐT mới cảm nhận được giá trị thật và mức độ rủi ro quá lớn của mã CP này. Theo kết quả kinh doanh quý IV-2011 mới được công bố, VKP tiếp tục lỗ 21,5 tỷ đồng và lũy kế cả năm 2011 lỗ 52,37 tỷ đồng. Hiện tại, VKP đang giao dịch trong diện bị kiểm soát sau khi bị tạm ngừng giao dịch do kết quả kinh doanh lỗ trong 2 năm liên tiếp 2009 và 2010.

Theo quy định, doanh nghiệp niêm yết sẽ bị hủy niêm yết khi có kết quả sản xuất, kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do vậy, việc VKP sẽ bị hủy niêm yết trong thời gian tới là điều gần như chắc chắn. Bỏ qua việc kinh doanh bết bát, NĐT tinh tường sẽ nhận ra việc đầu tư vào VKP là hết sức mạo hiểm nếu nhìn vào tình hình biến động nhân sự của doanh nghiệp này.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, VKP liên tục có sự biến động nhiều về nhân sự chủ chốt, trong đó vị trí giám đốc thay đổi 4 lần, kế toán trưởng thay đổi 4 lần. Được biết, chỉ cách đây vài ngày, VKP đã có sự điều chỉnh về chức danh giám đốc bằng việc miễn nhiệm ông Nguyễn Huy Phương và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Quang thay thế.

NĐT theo dõi giá cổ phiếu. Ảnh: LÃ ANH

NĐT theo dõi giá cổ phiếu. Ảnh: LÃ ANH

Một mã CP đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết khác là mã MHC của CTCP Hàng hải Hà Nội. Theo báo cáo tài chính quý IV-2011 vừa được công bố, dù con số lợi nhuận ghi nhận với số dương, nhưng lũy kế cả năm MHC vẫn tiếp tục lỗ hơn 600 triệu đồng.

Như vậy, việc MHC bị hủy niêm yết là không tránh khỏi do doanh nghiệp đã thua lỗ liên tiếp trong 3 năm. Cho dù MHC giao dịch ở mức khoảng 2.000 đồng/CP nhưng NĐT vẫn có nguy cơ mất trắng một khi CP này bị hủy niêm yết.

Không bị thua lỗ 3 năm liên tục nhưng mã TRI của CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) vẫn trong diện bị hủy niêm yết thời gian tới. Nguyên nhân là vốn chủ sở hữu của Tribeco tại thời điểm cuối năm 2011 là số âm.

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm 2011, Tribeco lỗ thêm 86,7 tỷ đồng dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 20,4 tỷ đồng. Đây là điều hết sức đáng tiếc cho bản thân doanh nghiệp và những NĐT đang sở hữu cổ phần, bởi lẽ Tribeco là một trong những CP niêm yết sớm nhất trên sàn chứng khoán (lên sàn cuối năm 2001). TRI hiện chỉ được giao dịch dưới vùng giá 0.2.

Danh sách những mã CP đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh năm 2011 tiếp tục là con số âm còn có: CTCP Basa (BAS), CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD), CTCP Gạch men Chang Yih (CYC). Cả 3 mã CP này hiện được giao dịch ở mức cực kỳ thấp. Cụ thể, CYC là 2.800 đồng/CP, CAD là 1.600 đồng/CP, còn BAS chỉ có 1.000 đồng/CP.

Đãi cát tìm vàng

Giá nhiều CP giảm xuống mức rẻ phản ánh đúng tình trạng sức khỏe doanh nghiệp; nhưng vẫn có nhiều CP đang ở mức định giá khá thấp. Đây chính là cơ hội rất tốt để tìm kiếm lợi nhuận. Một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn các CP giá rẻ là tỷ lệ cổ tức/thị giá ở mức cao. Những doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức 15% nhưng giá CP hiện giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) có thể kể đến như CTCP Xây dựng 47 (C47) giá 9.100 đồng/CP, CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (LBM) giá 6.400 đồng/CP..

Đây là các địa chỉ đầu tư thay thế kênh gửi tiết kiệm do tỷ lệ cổ tức/thị giá có thể cạnh tranh được với mức lãi suất tiền gửi có chiều hướng giảm. Đặc biệt, nếu xét về dài hạn, NĐT chọn mua các CP được chia cổ tức với tỷ lệ cao cũng là quyết định mang tính an toàn, hiệu quả hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy vậy, NĐT nên chú ý đến thời điểm và đồ thị giá của CP đó để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài tiêu chí trên, theo nhiều chuyên gia tư vấn NĐT cần lưu ý đến các vấn đề như  minh bạch trong công bố thông tin, chất lượng quản trị công ty tốt, vị thế trong ngành, doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào có khả năng giảm giá.

Nếu ưa mạo hiểm, NĐT vẫn có thể lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng tỷ trọng vốn vay cao sẽ được lợi hơn những ngành khác trên khía cạnh giảm chi phí lãi vay cùng với xu hướng điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất đã được dự báo trong năm 2012.

Tuy nhiên, lợi thế này phải đi đôi với việc triển khai những dự án tốt, có mức độ khả thi cao. Ngược lại, NĐT cần hạn chế giải ngân vào các doanh nghiệp hiện đang thực hiện những dự án có độ rủi ro lớn, thị trường đầu ra đóng băng hoặc phục hồi kém, nguy cơ bị thu hồi vốn từ ngân hàng vẫn hiện hữu do hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu nợ xấu.

Các tin khác