Dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi)

Đột phá cơ chế, thủ tục

Luật DN và Luật Đầu tư đến nay đã trải qua hơn 7 năm thực hiện. Bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định đang bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật DN và Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến giới chuyên gia, DN để hoàn thiện bộ luật này. ĐTTC trích đăng ý kiến của một số chuyên gia.

Luật DN và Luật Đầu tư đến nay đã trải qua hơn 7 năm thực hiện. Bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định đang bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật DN và Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến giới chuyên gia, DN để hoàn thiện bộ luật này. ĐTTC trích đăng ý kiến của một số chuyên gia.

Luật sư Ngô Thanh Sơn, Đại học Bình Dương:

Bất cập vốn điều lệ

Theo quy định của Luật DN, khi thành lập CTCP, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và trong vòng 3 năm không được chuyển nhượng số cổ phần này cho người không phải là cổ đông sáng lập, trừ trường hợp được ĐHĐCĐ chấp thuận; phần còn lại sẽ được chào bán và phải bán hết trong vòng 3 năm kế tiếp. Với quy định này, luật đã cho cổ đông sáng lập một phạm vi khá rộng để có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau trong công chúng.

Điều này cùng với những ưu điểm khác của CTCP như chế độ trách nhiệm hữu hạn, khả năng huy động vốn… đã tạo nên sự thu hút của mô hình công ty này đối với các nhà đầu tư. Song chính quy định này tạo điều kiện cho các CTCP “ma” ra đời, giúp những kẻ lừa đảo có điều kiện chiếm dụng vốn, cưỡng đoạt tài sản.

Hơn nữa, luật chỉ quy định số cổ phần phổ thông không được các sáng lập viên mua phải bán hết trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng không có những quy định giải quyết những trường hợp công ty không bán được hết số cổ phần này và không có ràng buộc về mặt trách nhiệm nào đối với các cổ đông sáng lập để tránh việc họ khai vốn quá lớn mà không huy động được.

Như vậy, trong thời hạn 3 năm, khả năng vốn điều lệ ảo của công ty gây nhầm lẫn và tạo niềm tin giả cho các đối tác, khách hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Để tránh những vướng mắc ở trên, Luật DN sửa đổi nên duy trì truyền thống pháp lý về vốn điều lệ của DN nói chung và CTCP nói riêng.

Điều cần thay đổi là phải có những quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các cổ đông sáng lập đối với công ty, hạn chế những trường hợp cổ đông sáng lập lợi dụng việc thành lập CTCP để trục lợi cá nhân. Thay vì yêu cầu các cổ đông sáng lập phải cùng nhau giữ mức tối thiểu 20% tổng số cổ phần phổ thông, luật có thể quy định họ phải cùng nhau sở hữu ít nhất 60-70% tổng số cổ phần của công ty.

Thạc sĩ Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư VNC:

Cần tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn

Luật Đầu tư 2005 vẫn mang tính chất luật “ống”, luật “khung” cần nhiều văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến chồng chéo khiến cơ quan quản lý lúng túng trong khi thực hiện. Thực tế cho thấy việc áp dụng pháp luật ở các địa phương cũng khác nhau. Về dự thảo Luật Đầu tư 2014, chúng tôi thấy rằng ban soạn thảo vẫn chưa khắc phục được những hạn chế của Luật Đầu tư 2005.

Cụ thể, dự thảo luật lần này vẫn mang tính chất luật khung, phải cần nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. 2 vấn đề đặc biệt quan trọng là “thủ tục đầu tư” (thủ tục hành chính) và “các biện pháp bảo vệ đầu tư” không có gì thay đổi. Vì vậy, tôi có một số ý kiến. Một là, đề nghị đưa chi tiết các thủ tục đầu tư vào dự thảo, không để các văn bản hướng dẫn quy định về thủ tục hành chính, phân loại các thủ tục đầu tư khác nhau thành những yêu cầu tại các điều luật khác nhau.

Chẳng hạn, thủ tục đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, dự án bất động sản cần những gì tách thành một điều luật… Như vậy mới tạo bước đột phá về minh bạch thủ tục đầu tư, tuy nó hơi dài nhưng so với tổng thể cả nghị định và thông tư vẫn gọn gàng hơn, làm cho nhà đầu tư tin tưởng hơn so với nhiều nghị định và thông tư.

Hai là, tách thủ tục giải quyết tranh chấp thành một chương riêng và cụ thể hơn nữa về việc chọn hệ thống pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Thực tiễn cho thấy, đây là một trong những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả nhất, nội dung của chương này có thể bao gồm cả những hành vi vi phạm của nhà đầu tư và cơ quan quản lý sẽ được giải quyết theo thủ tục tư pháp, các biện pháp chế tài cho vi phạm này…

Ngoài ra, cần bổ sung phần xử lý việc nhà đầu tư mất tích để tránh thiệt hại lớn hơn. Thực tế hiện nay các cơ quan nhà nước thường lúng túng trong việc giải quyết nhà đầu tư mất tích mà các phương tiện truyền thông thường gọi là “bỏ trốn”.

Luật DN và Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN trong nước và DN có vốn nước ngoài. Ảnh: LONG THANH

Luật DN và Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi hơn
cho DN trong nước và  DN  có vốn nước ngoài. Ảnh: LONG THANH

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế  Trung ương:

Thay đổi để thu hút đầu tư nước ngoài

Khi xây dựng chính sách về hoạt động đầu tư nước ngoài cần phải phân tách 2 nội dung cơ bản là gia nhập thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài. Quy định về gia nhập thị trường được chia thành các nhóm: Thứ nhất, đầu tư vào DN (góp vốn thành lập DN mới; mua cổ phần, phần vốn góp phát hành thêm của DN đã được thành lập…).

Trong trường hợp này thủ tục về nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mà thực hiện theo quy định của Luật DN. Thứ hai, thương quyền của nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài sẽ được và không được làm gì; hoặc được làm gì nhưng với điều kiện nhất định). Hạn chế kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài thường dưới hình thức hạn chế tỷ lệ sở hữu trong DN. Trong trường hợp này xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết và sẽ rất quan trọng.

Tuy nhiên, khó khăn là coi DN được thành lập ở trong nước có sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước. Nếu coi là nước ngoài thì trong trường hợp nào? Lấy tỷ lệ sở hữu trong DN làm tiêu chí thì tỷ lệ đó sẽ là bao nhiêu, tại sao? Tôi kiến nghị phương án áp dụng tỷ lệ sở hữu 49-51% là tiêu chí xác định nhà đầu tư nước ngoài đối với DN được thành lập ở nước ta vì đây là một tỷ lệ thường được áp dụng theo thông lệ quốc tế. Về thu hút đầu tư nước ngoài, có 2 cách tiếp cận đối với đầu tư nước ngoài: ưu tiên về số lượng và ưu tiên về chất lượng.

Theo tôi, nước ta cần kết hợp cả 2 cách này theo hướng: Luật Đầu tư sẽ cụ thể hóa các hoạt động đầu tư nước ngoài cần phải có biện pháp thu hút, đồng thời cần xác định các chính sách, biện pháp ưu đãi tương ứng. Tiêu chí xác định hoạt động đầu tư nước ngoài thuộc danh mục thu hút có thể bao gồm ngành nghề, sản phẩm, công nghệ sử dụng, sử dụng nhân lực có trình độ, áp dụng kết quả nghiên cứu tại nước ta. Đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài khác coi như một hoạt động đầu tư “tự nhiên” với các biện pháp thu hút đầu tư như các hoạt động đầu tư trong nước.

Các tin khác