LIBYA

Cuộc chiến kinh tế

Italia lo lắng

Italia lo lắng

Không một nước châu Âu nào có quan hệ gần gũi với Libya hơn Italia. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã ký nhiều hiệp ước thương mại, đầu tư và “hữu nghị”. Eni, công ty dầu mỏ lớn nhất Italia và là công ty dầu mỏ châu Âu thành công nhất ở Bắc Phi, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Libya. Vì thế, cuộc chiến Libya chắn chắn sẽ làm tổn hại quyền lợi kinh tế của Italia ở Libya và quyền lợi của Libya ở Italia.

Trong những năm gần đây, đầu tư của Libya vào những công ty tên tuổi ở Italia đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt. Năm 2010, sự phản đối thương vụ mua thêm cổ phần trong UniCredit, một trong các ngân hàng hàng đầu Italia, của Libya đã góp phần dẫn đến việc từ chức của Alessandro Profumo, lúc đó là CEO UniCredit. Libya còn nắm cổ phần trong nhiều danh mục đầu tư nhạy cảm của Italia, trong đó có Finmeccanica, một trong những công ty quốc phòng và hàng không lớn nhất châu Âu. Cơ quan Đầu tư Libya (LIA) sở hữu 2% cổ phần trong Finmeccanica, công ty có ảnh hưởng lớn ở thị trường quốc phòng của Hoa Kỳ và Anh. Finmeccanica sở hữu AugustaWestland, công ty chuyên sản xuất trực thăng Lynx cho Anh. Ở Hoa Kỳ, Finmeccanica chuyên sản xuất các thiết bị quốc phòng từ camera cảm ứng nhiệt đến các loại súng lắp trên máy bay chiến đấu. Libya cũng nắm cổ phần trong hãng xe Fiat.

Cuộc chiến ở Libya có thể vẽ lại bản đồ đầu tư ngành “dầu ngọt”.

Cuộc chiến ở Libya có thể vẽ lại bản đồ đầu tư ngành “dầu ngọt”.

Các khoản đầu tư của Italia ở Libya hiện đã bị tổn hại. Eni đã ngưng bơm dầu ở Libya, dù vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nhà máy điện quanh thủ đô Tripoli. Nguy cơ bị hư hại hạ tầng của Eni ở Libya khiến cổ phiếu của công ty này mất 4% giá trị trong tháng trước dù dầu mỏ tăng giá. Impegilo, công ty xây dựng lớn nhất Italia, cũng lo lắng trước tương lai của họ ở Libya, đặc biệt dự án đường cao tốc trị giá 5 tỷ USD cho Libya đang có nguy cơ bị hủy bỏ. Ansaldo STS, một công ty kỹ thuật đường sắt, dự báo cuộc chiến ở Libya sẽ khiến họ giảm 142 triệu USD lợi nhuận trong năm nay, trong khi Finmeccanica ước tính mất 600 triệu EUR. Italia đã tham chiến cùng liên quân, nên các công ty Italia sẽ được tham gia vào các dự án tái thiết sau chiến tranh. Nhưng nếu cuộc chiến kéo dài và liên quân không thể lật đổ Đại tá Gaddafi, đó sẽ là ác mộng cho các nhà đầu tư Italia, vì Gaddafi hiện đã xem Thủ tướng Italia là “kẻ phản bạn”.

Dầu mỏ

Lượng dầu xuất khẩu từ Libya chỉ chiếm 2% sản lượng dầu toàn cầu nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì đó là dầu “ngọt và nhẹ”, tức dễ lọc hơn nhiều so với các loại dầu “nặng và chua” của Saudi Arbia và nhiều nước khác. Vì vậy, có nhiều tin đồn đoán rằng Hoa Kỳ phát động chiến tranh ở Libya vì muốn chia lại “chiếc bánh dầu ngọt” tại đó. Theo Shokri Ghanem, Chủ tịch Công ty Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC), sản lượng dầu ở Libya đã giảm tới 3/4 kể từ đầu cuộc chiến và có thể hoàn toàn ngưng hẳn. Lực lượng nổi dậy cho biết đã thành lập công ty dầu quốc gia mới và nếu liên quân giúp họ chiến thắng Gaddafi, những nước dẫn đầu cuộc chiến gồm Pháp, Anh và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là đối tác của công ty mới này. Đó thực sự là cơ hội cho Total SA của Pháp, công ty này trước cuộc chiến chỉ sản xuất khoảng 55.000 thùng dầu mỗi ngày ở Libya, bằng 1/5 Eni của Italia.

Trong khi đó, ngày 22-3, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cấm công dân Hoa Kỳ làm ăn với 14 công ty thuộc sở hữu của NOC, vì có thể tăng thêm lợi nhuận cho chính quyền Gaddafi. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết đang giám sát các hoạt động của NOC ở Libya và kêu gọi chính phủ các nước khóa tài khoản của NOC ở nước mình để giới hạn khả năng Gaddafi dùng dầu mỏ làm ngân sách cho các hành động quân sự. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc cấm vận kinh tế mới chống lại Libya, là đợt cấm vận thứ 4 của EU đối với chế độ Gaddafi.
Về phần mình, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shukri Ghanem vừa tổ chức một cuộc họp báo và nhấn mạnh các hợp đồng dầu mỏ trong tương lai sẽ dành ưu tiên cho những quốc gia không tham gia lực lượng quốc tế chống Gaddafi. “Một người bạn trong lúc nguy nan mới đích thực là bạn” - quan chức này phát biểu trước các phóng viên tại Tripoli.

Dự trữ vàng

Tuy nhiên, điều một số nhà quan sát lo ngại là Libya hiện có lượng vàng dự trữ hàng tỷ USD và chủ yếu ở trong nước. Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trữ lượng đó xếp hàng thứ 25 toàn cầu và có thể được dùng làm nguồn ngân sách cho chính quyền Gaddafi sau khi bị quốc tế phong tỏa và cấm vận. Bởi việc chuyển vàng ra các nước châu Phi khác để bán được cho là khá dễ dàng, xuyên qua sa mạc Sahara. Số tiền bán vàng này có thể giúp Gaddafi tuyển mộ thêm hàng nghìn lính đánh thuê từ các nước châu Phi lân cận. Dự trữ vàng của Libya được cho là khổng lồ so với dân số ít ỏi chỉ 6 triệu người của nước này. Theo dữ liệu của IMF, Libya hiện có lượng vàng dự trữ 4,6 triệu ounce (gần 144 tấn) và có giá hiện tại trên 6 tỷ USD. Nếu so với quy mô nền kinh tế và dân số, có lẽ Libya đứng đầu về dự trữ vàng. Theo giới phân tích, đó chính là khả năng “nhìn xa” của Gaddafi, người từng nhiều lần bị nước ngoài cấm vận.
(Tổng hợp)

Các tin khác