Tiền kỹ thuật số: Xu hướng và khuôn khổ pháp lý

(ĐTTCO)-Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) các nước triển khai thử nghiệm phát triển tiền kỹ thuật số (KTS), bởi các tiện ích nó mang lại như cho phép thanh toán ngay lập tức, giải quyết nhanh hơn và chi phí giao dịch thấp hơn, đặc biệt đối với thanh toán xuyên biên giới. Tuy nhiên, đằng sau tiện lợi đó là những rắc rối khuôn khổ pháp lý.
Tiền kỹ thuật số: Xu hướng và khuôn khổ pháp lý ảnh 1
Cuộc đua hình thái tiền tệ mới
Theo NH Thanh toán Quốc tế (BIS), hiện đã có hơn 60 quốc gia triển khai thử nghiệm các loại tiền KTS quốc gia. Các nước Thụy Điển hay Bahamas thậm chí đã phát hành tiền KTS trên quy mô toàn quốc, áp dụng cho mọi người dân.
Trong khi đó, NHTW Nhật Bản (BOJ) cho biết đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền KTS của mình (CBDC) vào đầu tài khóa 2021. BOJ dự định thiết lập một hệ thống trên internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC, trong đó có việc phát hành và lưu hành đồng tiền KTS này.
Cuộc thử nghiệm sẽ tiến hành theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng, nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền KTS với tư cách là phương tiện thanh toán song song với tiền mặt.
Tương tự, tại châu Âu, NHTW châu Âu (ECB) cũng đã khởi động cuộc tham vấn cộng đồng và bắt đầu các thử nghiệm để giúp NH này đưa ra quyết định có hay không nên tạo ra đồng EUR KTS.
Theo đó, đồng EUR này sẽ là phiên bản KTS của đồng EUR hay tiền xu, sẽ được đấu thầu hợp pháp cũng như được ECB đảm bảo. Việc triển khai đồng tiền này cho phép các cá nhân lần đầu tiên được gửi tiền trực tiếp vào ECB. Điều này có thể an toàn hơn so với việc gửi tiền ở các NHTM có thể bị phá sản hoặc giữ tiền mặt.
Giống như tiền mặt, tiền KTS có thể được lưu trữ bên ngoài hệ thống NH, chẳng hạn trong “ví KTS”. Nó sẽ cho phép công dân và các doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán thường xuyên một cách nhanh chóng, dễ dàng và an toàn.
Điều đặc biệt, trong khi Mỹ có phần thận trọng trong việc phát hành tiền KTS, Trung Quốc lại đặt niềm tin vào đồng tiền này và có dấu hiệu bỏ xa các quốc gia khác trên “sân chơi” mới. eCNY (hay DCEP) là loại tiền KTS được Chính phủ Trung Quốc phát hành và hậu thuẫn.
Được đánh giá là đồng tiền có nhiều tiêu chuẩn khác biệt so với tiền mặt hay các loại tiền KTS khác đang được lưu hành tại Trung Quốc, eCNY đã được NHTW Trung Quốc (PBOC) đưa vào thử nghiệm từ năm ngoái tại 4 thành phố. Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục mở rộng thử nghiệm tiền KTS này tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải. 
Việc phát hành đồng tiền KTS eCNY nằm trong nỗ lực đưa các hình thức tiền KTS mới vào lưu thông với mục tiêu tạo điều kiện cho người dùng dễ tiếp cận các công cụ tài chính trực tuyến. Điều này cho thấy tham vọng của Trung Quốc đối với dự án tiền KTS và mong muốn trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Tiền kỹ thuật số: Xu hướng và khuôn khổ pháp lý ảnh 2 Ảnh minh họa.
Phải chuẩn bị hành lang pháp lý
Khác với Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác, vốn được thiết kế để không phụ thuộc vào sự kiểm soát của bất kỳ công ty hay chính phủ nào, các loại tiền KTS thường do NHTW các nước phát hành và bảo lãnh, giúp các chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát về tài chính.
Bên cạnh đó, tiền KTS có thể thay thế tiền mặt, qua đó các chính phủ có thể dễ dàng theo dõi các giao dịch tài chính để ngăn chặn hành vi trốn thuế, rửa tiền hoặc tham nhũng.
Các đồng tiền KTS của NHTW sẽ được hưởng lợi từ phần lớn công nghệ tương tự của tiền điện tử tư nhân, cho phép thanh toán ngay lập tức, giải quyết nhanh hơn và chi phí giao dịch thấp hơn, đặc biệt là đối với thanh toán xuyên biên giới. Chúng cũng có thể là phương tiện đảm bảo như một công cụ tài chính để tiếp cận các bộ phận dân cư không có NH. 
eCNY được Trung Quốc sử dụng và xem nó như đồng nhân dân tệ. Vì thế, Việt Nam là quốc gia ngay bên cạnh nên không sớm thì muộn sẽ có những người sử dụng đồng eCNY trong giao thương biên mậu, giao thương quốc tế.
Ở đây sẽ phát sinh vấn đề, Việt Nam có chấp nhận thanh toán bằng eCNY hay không? Nếu chấp nhận chuyển tiền qua biên giới đồng tiền này thì bằng cách thế nào? Cơ chế kiểm soát ra sao?
Việt Nam có sự giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, vì thế cần nghiêm túc xem xét hình thái tiền tệ KTS eCNY để nắm bắt các cơ hội và đối phó với những thách thức, rủi ro. 
Đây là bài toán chúng ta cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp tìm kiếm cách xử lý. eCNY hiện đang được Trung Quốc đưa vào áp dụng ở một số tỉnh, thành, nhưng trong tương lai chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng rộng rãi ở toàn quốc. 
Hiện nay, một trong những lo ngại là sự gia tăng của tiền KTS có thể vô tình ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Nó có thể gây ra sự điều hành NH nếu người dùng quyết định để tiền gửi NH (vốn là nghĩa vụ của NHTM) cho sự an toàn tương đối của đồng tiền do NHTW phát hành.
Ngay cả ở Trung Quốc, hiện cũng đang có những vấn đề nước này cho rằng eCNY chưa được như ý muốn, trong đó có sự đảm bảo an toàn, tính bảo mật của đồng tiền này vẫn còn là dấu hỏi. Dẫu vậy, Việt Nam vốn có sự giao thương chặt chẽ với Trung Quốc nên cần nghiêm túc xem xét hình thái tiền tệ mới này để nắm bắt các cơ hội và đối phó với những thách thức, rủi ro. 
Thử nghiệm và sử dụng tiền KTS có thể xem là xu hướng toàn cầu. Vì thế, NHNN cần xem xét, đánh giá cũng như xây dựng khuôn khổ pháp luật để đưa vào quản lý.
Trước mắt, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, công nghệ tài chính, thanh toán di động và cho vay ngang hàng.

Các tin khác