Thừa vốn, lãi suất chưa giảm!

Hiện nay đang có nhiều rào cản gây khó cho các NHTM trong việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.

Hiện nay đang có nhiều rào cản gây khó cho các NHTM trong việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.

Đã giữa quý III-2011 nhưng nhiều NHTM cho biết tăng trưởng tín dụng bằngVNĐ vẫn rất chậm. Đây là cơ sở để tới đây các NHTM phải giảm lãi suấtcho vay để khuyến khích khách hàng vay vốn.

Giảm để kích vốn vay

Muốn hạ lãi suất cho vay NHNN cần tăng thêm cung tiền qua thị trường mở, đồng thời hạ lãi suất vay vốn từ NHNN đang ở 14-15%/năm xuống còn 12%/năm, kéo được lãi suất tiết kiệm đi xuống, từ đó giảm lãi suất cho vay. Bởi chính sách tiền tệ hiện nay không làm lạm phát tăng thêm. Tuy nhiên nguồn vốn bơm thêm vào thị trường cần phân bố đúng địa chỉ.

PGS.TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa QTKD, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM.

Trong 7 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7% so với chỉ tiêu 20%, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 3,57%, trong khi kế hoạch cả năm 16%. Những yếu tố này đang tạo điều kiện thuận lợi cho lãi suất đi xuống. NHNN cũng cho biết đang có những tín hiệu cho thấy lãi suất sẽ hạ nhiệt, như lãi suất huy động đã giảm 1-2% so với 3 tháng trước, kéo lãi suất cho vay giảm theo.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng với lãi suất 19,5%/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp lớn. Tuần qua ACB đã giải ngân hơn 200 tỷ đồng. Dù vậy thời điểm này NH vẫn khó tăng trưởng tín dụng do nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng để tiết kiệm chi phí, năng lượng, hoặc không có nhiều đơn hàng.

Một lãnh đạo của VietABank cho biết sắp tới sẽ giảm lãi suất nhưng thấp nhất cũng ở 19%/năm do chi phí huy động vốn trước đây của NH còn cao. Một phó tổng giám đốc của HDBank cũng cho biết tăng trưởng tín dụng chậm là một trong những yếu tố buộc các NHTM sẽ phải giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, do cạnh tranh nhiều NHTM chưa giảm nhanh lãi suất huy động.

Và chính việc tăng trưởng tín dụng chậm trong khi lãi suất huy động chưa hạ nhiệt đã khiến nhiều NHTM bắt đầu ở tình trạng dư thừa tiền đồng. Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết lãi suất liên NH từ cuối tháng 7 đến nay luôn duy trì ở mức thấp, trong tuần chỉ 10-10,5%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 10,5-14,3%/năm kỳ hạn 1 tuần, 13-15%/năm kỳ hạn 2 tuần và 15-17%/năm kỳ hạn 1 tháng. Bên cạnh sự ổn định của lãi suất trên thị trường liên NH, hoạt động đấu thầu trên thị trường mở (OMO) cũng thu hẹp rõ rệt.

Thiên thời, địa lợi?

Việc giảm lãi suất cho vay không quá khó, vấn đề là bao giờ thực hiện. Ảnh: LÃ ANH

Việc giảm lãi suất cho vay không quá khó, vấn đề là bao giờ thực hiện. Ảnh: LÃ ANH

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, lãi suất cao như hiện nay không khuyến khích đầu tư sản xuất, gây khó TTCK - nơi huy động vốn trung, dài hạn - và làm chậm  quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Lãi suất này chỉ khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm để lấy lãi tiêu dùng.

Đặc biệt, nó dẫn đến vấn đề rủi ro cho nền kinh tế rất cao, bởi khi cho vay lãi suất cao thì khả năng hoàn trả của khách hàng thấp, đẩy khách hàng vào rủi ro, nợ xấu NH gia tăng. Vì vậy, theo ông Ngân hiện nay dư địa tín dụng còn rất lớn. Vấn đề là phải đảm bảo vốn đi vào sản xuất kinh doanh và nông nghiệp nông thôn, NHNN nên kiểm tra danh mục cho vay các NHTM và sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, tái thế chấp lãi suất 13-14% những hồ sơ NHTM cho vay sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu để ưu tiên vốn cho sản xuất.

Để giảm lãi suất cho vay cũng có ý kiến cho rằng NHNN nên áp trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ông Đỗ Minh Toàn cho rằng chỉ có kéo lãi suất huy động xuống còn 14%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 17-18%/năm. Còn nếu áp trần lãi suất cho vay sẽ biến tướng qua hình thức phí.

"Việc giảm lãi suất cho vay không quá khó, vấn đề là bao giờ thực hiện. Ngoài ý chí còn điều kiện “thiên thời địa lợi”. Vì lãi suất chỉ xuống khi nào giá vàng ổn định. Giá vàng rất nhạy cảm với nền kinh tế do người dân nước ta vẫn có khuynh hướng tích trữ vàng. Nếu giá vàng biến động đẩy tỷ giá lên, trong khi các NHTM cho vay ngoại tệ và bán ngoại tệ lấy tiền đồng, sẽ rủi ro lớn hơn nhiều lần so với lãi suất cao” - ông Toàn nói.

Các tin khác