Thông tư 01: "Bùa hộ mệnh" cho nợ xấu

(ĐTTCO)-Bức tranh nợ xấu sẽ xấu hơn do tác động của dịch bệnh Covid-19 là dự báo đưa ra từ đầu năm đến nay. Song hiện tại nợ xấu vẫn được duy trì ở mức thấp nhờ tác động của Thông tư 01 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp, che đậy nợ xấu tạm thời.
Thông tư 01: "Bùa hộ mệnh" cho nợ xấu
Nợ xấu đang xấu hơn
Cho đến cuối năm 2019, vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) rất khả quan. Trên đà đó, đầu năm 2020 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các NHTM yếu kém).
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nợ xấu lại đối diện nhiều thách thức. Lãnh đạo một số NH ngay vào quý II đã thừa nhận Covid-19 có nguy cơ thổi bay nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống NH.
NHNN cũng đã ước tính trường hợp dịch diễn biến phức tạp và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020, thậm chí có thể cao hơn. Nhưng mọi sự đã diễn biến khác khi dịch bùng phát lần 2 và khó khăn của doanh nghiệp càng thêm chồng chất.
Thực tế tại thời điểm cuối quý II-2020, khó khăn về nợ xấu bắt đầu lộ diện. Giá trị tuyệt đối nợ xấu tại Agribank tăng hơn 39% lên mức 24.464 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 4.887 tỷ đồng, lên tới 17.285 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,79% lên mức 0,83%, VietinBank tăng từ 1,16% đầu năm lên 1,7%. Tổng nợ xấu của BIDV tăng thêm 17%, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,75% lên mức 2%.
Điều tương tự cũng diễn ra ở các NHTMCP. Theo thống kê của Fiin Pro, trong quý II, tỷ lệ nợ xấu của 17 NH niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,44% vào cuối quý IV-2019 lên 1,71%. Tỷ lệ tạo mới nợ xấu (tính bằng thay đổi tổng nợ nhóm 3-5 trong quý chia cho dư nợ trung bình quý) đã tăng lên 0,22% trong quý I và ở mức 0,1% trong quý II, cao hơn so với cùng kỳ 2018 và 2019.

Phải chấp nhận thực chất
Nghị định mới về TPDN đang gỡ rối nhưng các DN phải nhanh tay làm chuyện này và NH cũng phải hợp tác với DN để xử lý, nếu không nợ xấu sẽ bùng lên. Hiện đang có giải pháp, có công cụ, NH và DN nên tận dụng sớm.
Dù nợ xấu có xu hướng tăng, nhưng theo các chuyên gia đây chưa phải là mức tăng thực chất. Vì theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NH có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến ngày 13-7, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng.
Theo đó, NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn. 
Theo ước tính của SSI Research, nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 sẽ tăng 17% và 14% vào năm 2021. Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm nay mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống NH có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019.
Thời điểm cuối tháng 5, NHNN đã đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020 để xin ý kiến đóng góp. Nhưng thời hạn xin ý kiến đã hết và đến nay đã 4 tháng vẫn chưa ban hành Thông tư mới.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, có thể NHNN cân nhắc vì Bộ Tài chính ủng hộ quan điểm của dự thảo Thông tư này, nhưng đề nghị các NH phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế rủi ro, ảnh hưởng đến hệ thống sau này.
Trong điều kiện hiện nay cần chấp nhận nợ xấu có xu hướng tăng, vì đây là chuyện bình thường khi nền kinh tế đi vào khủng hoảng. 
Tuy nhiên, theo chuyên gia này cần phải có giải pháp kiểm soát, cân đối để nợ xấu có tăng nhưng khi phục hồi kinh tế sẽ giải quyết được. Còn nếu quá sốt ruột cố gắng phục hồi kinh tế bằng cách cơ cấu nợ, khoanh nợ để bơm nhiều vốn giá rẻ, cũng như dễ dãi trong quản lý giám sát khoản vốn, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong giai đoạn sau đó, khi kinh tế phục hồi cũng khó giải quyết, thậm chí nợ xấu đó trở thành gánh nặng.
Vì vậy, việc quyết định chấp nhận khả năng nợ xấu như thế nào trong nền kinh tế năm nay cũng là nghệ thuật điều hành rất quan trọng của nhà quản lý.
Vậy giải pháp nào để nợ xấu tăng nhưng trong mức kiểm soát? Mới đây, trong Nghị định 81/2020 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đã có quy định được xem là mở ra cánh cửa cho việc xử lý nợ xấu.
Cụ thể, Nghị định 81 đã bổ sung quy định: “Mục đích phát hành TP, trong đó nêu cụ thể thông tin về chương trình, dự án đầu tư; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn; các khoản nợ được cơ cấu (tên khoản nợ, giá trị, kỳ hạn nợ) bằng nguồn vốn từ phát hành TP”. 
Theo TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, thời điểm này NHNN không nên gia hạn Thông tư 01 vì kéo dài sẽ có vấn đề về nợ xấu. Nghị định 81/2020 đã cho phép phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ, đây là giải pháp cần tận dụng, các DN phải liên kết với các NH để thực hiện.
Thay vì nợ đến hạn không trả được, DN phải chuyển tài sản đó để làm tài sản đảm bảo để phát hành 1 lô TP và NH sẽ mua lại lô TP đó. Như vậy, sẽ giúp các NH giải quyết được khoản nợ, DN không rơi vào tình trạng nợ xấu.
Mặt khác, các khoản nợ ngắn hạn sắp trở thành nợ xấu được chuyển thành nợ dài hạn bằng TPDN, DN giảm không có áp lực trả nợ trong 12 tháng tới.  

Các tin khác