Thị trường tài chính đang nghiêng về tiền mã hóa

(ĐTTCO)-Thị trường tài chính toàn cầu đang xuất hiện hàng loạt xu hướng mới dưới sự tác động của tiền mã hóa. Trong đó việc các định chế tài chính lớn có động thái tích cực trong việc chấp nhận tiền mã hóa là cột mốc lịch sử trong hệ thống thanh toán thế giới.
 Dù trong tương lai gần, tiền mã hóa chưa thể trở thành phương tiện thanh toán chính thống vì mức độ rủi ro và biến động giá lớn, nhưng đây chắc chắn là xu thế không thể bỏ qua.
Thị trường tài chính đang nghiêng về tiền mã hóa ảnh 1
Hơn 5.000 loại tiền mã hóa và 106 triệu người dùng
Thị trường tiền mã hóa (hay còn gọi là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số) đang chứng tỏ sức hút ngày càng mạnh mẽ. Minh chứng là vào tháng 3 năm nay, giá bitcoin đã tăng gấp 5 lần so với năm trước, vượt mức 61.000USD/bitcoin, nâng mức vốn hóa thị trường vượt qua 1.000 tỷ USD.
Sự bùng nổ giá bitcoin đến từ nhiều lý do, trong đó tác động đáng kể nhất là sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức, NĐT nổi tiếng như Stan Druckenmiller, Paul Tudor Jones hay Elon Musk (Tesla Inc. đã rót vào thị trường này 1,5 tỷ USD vào đầu năm nay).  
Đến thời điểm hiện nay, bên cạnh bitcoin - loại tiền mã hóa truyền thống và tiêu biểu - có hơn 5.000 loại tiền mã hóa khác đang được lưu hành.
Theo thống kê của Crypto.com, tính đến tháng 1-2021 đã có 106 triệu người dùng tiền mã hóa trên phạm vi toàn cầu, tăng 15% so với năm trước. Dưới sự tác động của tiền mã hóa với thị trường có giá trị hàng ngàn tỷ USD, thị trường tài chính toàn cầu xuất hiện hàng loạt xu hướng mới ở các lĩnh vực như đầu tư, huy động vốn và thanh toán.
Các loại tiền mã hóa tiên phong bitcoin, litecoin được thiết kế như là phương tiện thanh toán, trao đổi thay thế tiền pháp định. Và trong hơn thập niên qua, tiền mã hóa này lại nổi lên như kênh đầu tư tài chính mới để tìm kiếm thu nhập, phòng ngừa rủi ro, khi giá của nó không ngừng tăng. Sự quan tâm của NĐT đối với thị trường này ngày càng lớn, từ NĐT cá nhân đến các NĐT tổ chức, NĐT chuyên nghiệp. 
Việc các định chế tài chính lớn có những động thái tích cực trong việc chấp nhận tiền mã hóa là cột mốc lịch sử tạo nên xu thế mới trong hệ thống thanh toán thế giới, mà ở đó tiền mã hóa được đối xử như một phương tiện thanh toán, thậm chí là loại tiền tệ, chứ không chỉ dừng lại ở tài sản mang tính đầu cơ cao. 
Vừa qua, JPMorgan Chase & Co. đã đưa ra thông cáo khuyến nghị NĐT nên sử dụng tiền mã hóa như là một loại tài sản để đa dạng hóa danh mục đầu tư và phòng ngừa rủi ro trước những biến động của các tài sản đầu tư truyền thống.
Công ty này ước tính rằng, đã có khoảng 7 tỷ USD chảy vào các quỹ đầu tư bitcoin, trong khi hơn 20 tỷ USD chạy ra khỏi các quỹ ETF về kim loại quý. Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley, cũng thông báo ý định cung cấp các phương tiện đầu tư vào bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác cho khách hàng cao cấp của họ.
Dù vậy, vẫn tồn tại nhiều ý kiến hoài nghi về tính giá trị của tiền mã hóa trước sự tăng giá phi mã của loại tài sản này. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nó là hiện thân của bong bóng tài sản và giá trị chỉ đến từ hoạt động đầu cơ. 

Nhiều NHTW cũng phải theo
Việc sử dụng tiền mã hóa để gọi vốn đầu tư thông qua hoạt động ICO (Initial Coin Offering) đang được các công ty khởi nghiệp lựa chọn để dần thay thế hệ thống tài chính truyền thống. ICO được hiểu là hoạt động phát hành tiền mã hóa lần đầu ra công chúng để kêu gọi đầu tư, là sự kết hợp giữa hình thức huy động vốn cộng đồng và công nghệ blockchain.
Công nghệ blockchain với ưu điểm phi tập trung, phi trung gian đã tạo điều kiện cho các giao dịch ngang hàng, loại bỏ các trung gian tài chính, qua đó giúp hoạt động huy động vốn ít tốn kém hơn. Ngoài ra, thị trường tiền mã hóa ngày càng sôi động đã tạo nên tính thanh khoản và cơ hội rút vốn bất kỳ lúc nào của NĐT. 
Theo nghiên cứu của Dirk A. Zetzsche và các Cộng sự (2018), ICO đã trở thành hiện tượng toàn cầu, với tổng số đăng ký ICO ước tính vượt quá 75 tỷ USD vào cuối tháng 6-2018.
Gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu rót tiền vào các đợt ICO, hứa hẹn sẽ là một hình thái huy động vốn mới thay thế cách thức huy động vốn truyền thống. Trong hoạt động thanh toán, sự chấp nhận tiền mã hóa như là phương tiện thanh toán đã có những chuyển biến rõ nét.
Thị trường tài chính đang nghiêng về tiền mã hóa ảnh 2 Ảnh minh họa.
Số liệu thống kê của coinmap.org cho thấy, tính đến tháng 4-2021, có 22.094 địa điểm trên toàn cầu chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa. Telsa là trường hợp đáng chú ý khi thông báo với khách hàng ở thị trường Mỹ có thể mua xe và trả bằng bitcoin. Các định chế cung cấp dịch vụ thanh toán toàn cầu như Mastercard, VISA, Paypal cũng chấp nhận tiền mã hóa như một loại tiền tệ. 
Hiện tính hấp dẫn của thị trường tiền mã hóa thu hút rất nhiều NĐT. Một lượng tiền không nhỏ sẽ chảy ra khỏi biên giới quốc gia đến các thị trường sôi động này. Có lẽ đây là xu thế khó có thể đảo ngược.
Thực tế tại một số quốc gia cho thấy, lệnh cấm hay các cảnh báo của chính quyền về rủi ro và tính hợp pháp không đủ để cản chân NĐT tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, sự phát triển của tiền mã hóa sẽ đặt ra các thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt nguy cơ tiềm ẩn về sự thay thế tiền pháp định dưới sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương (NHTW) trong tương lai.
Những ưu điểm của tiền mã hóa cũng đặt ra những ý niệm về loại tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (CBDC). 
Trong một cuộc khảo sát triển khai vào năm 2020 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), với sự tham gia của 66 NHTW trên phạm vi toàn cầu, cho thấy kết quả ngày càng nhiều NHTW quan tâm đến việc phát hành CBDC.
Khoảng 80% NHTW đã bắt đầu hoạt động này ở các giai đoạn khác nhau; khoảng 40% đã tiến hành chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang thử nghiệm hoặc chứng minh khái niệm; khoảng 10% NHTW đã phát triển các dự án thử nghiệm.
Qua đó cho thấy, cuộc cách mạng tiền tệ lần tiếp theo dường như đang âm thầm xảy ra, và điều này cũng gợi lên nhiều hàm ý đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam trong dài hạn.

Các tin khác